Nam Định: Ra Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
Chiều 11/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có Công điện số 26/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Nội dung Công điện như sau:
Thực hiện Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ sau bão. Để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các Sở, ngành, các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thực hiện nghiêm Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 07/5/2024 và Văn bản số 877/UBND-VP3 ngày 10/9/2024 của UBND tỉnh Nam Định.
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng: Duy trì nghiêm chế độ trực lãnh đạo với tinh thần khẩn trương nhất, tập trung di dời các hộ dân sinh sống, hoạt động tại các bãi sông, khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo, không an toàn (nhất là các khu vực vùng nguy hiểm: Bối Phương Định, huyện Trực Ninh; bối Yên Bằng, bối Yên Trị, huyện Ý Yên; bối Hồng Hà, bối Hồng Long, bối Vạn Diệp, thành phố Nam Định; bối Thắng Thịnh, bối Đại An, bối An Tùy, huyện Nam Trực; bối Đồng Gò, huyện Hải Hậu; bối Hoàng Nam, bối Quần Liêu, huyện Nghĩa Hưng…).
Tuyệt đối không để người dân nào bị đói, rét, không có nơi ở; chuẩn bị, cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán; có phương án sơ tán, di dân và tài sản của người dân vào những nơi an toàn; Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, theo dõi thường xuyên, liên tục tình hình mực nước lũ để chủ động tuần tra, canh gác đê điều đặc biệt là những tuyến đê chính. Kịp thời phát hiện các sự cố có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc để hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn quản lý;
Chủ động huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh; Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 8h ngày 12/9/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; phối hợp với các địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, liên tục tại các tuyến đê chính để kịp thời phát hiện các sự cố và xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra; Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới; Thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại bão số 3 và mưa lũ sau bão của các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh trước 14h ngày 12/9 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện cùng với các địa phương tiếp cận bằng được các khu vực nguy hiểm để hỗ trợ sơ tán người dân, tài sản đến khu vực an toàn; hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ… cho người dân khi có khu vực bị chia cắt và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị bảo đảm công tác cứu chữa người bị thương, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến giao thông chính phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi diễn biến mưa, lũ để có phương án điều tiết hoạt động giao thông tại các bến phà, cầu phao, âu tàu đảm bảo an toàn; rà soát, kịp thời phát hiện các sự cố đối với các cầu giao thông.
Sở Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao; chỉ đạo ngành điện lực tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện tại những nơi xảy ra sự cố, bảo đảm cấp điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các trạm bơm tiêu úng và các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh trường lớp và khắc phục cơ sở vật chất bị hư hỏng do bão, lũ để đảm bảo các điều kiện cho học sinh trở lại học tập bình thường; kịp thời nắm bắt tình hình mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không đảm bảo an toàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về truyền thông, báo chí; chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đảm bảo sóng, tín hiệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho nhân dân.
Các Sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai công tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật.
Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định và các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin về diễn biến tình hình mưa lũ, các chỉ đạo của cơ quan chức năng về hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với mưa lũ, ngập lụt để người dân biết và có phương án ứng phó giảm thiểu thiệt hại.
Các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục chỉ đạo vận hành tối đa năng lực công trình được giao quản lý, khai thác để tiêu thoát nước phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình. Thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, đặc biệt là tuyến kênh chính tại các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở; khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra; nắm bắt chính xác diễn biến mực nước và chủ động điều hành sản xuất, đảm bảo vận hành an toàn công trình.
Giao các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách trực tiếp chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện.