Nam Định: Kịp thời tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ nâng cấp hệ thống đê, kè
Để đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn, các đơn vị thi công xây dựng nâng cấp đê, kè trên tuyến đê hữu Hồng và các tuyến đê biển của tỉnh Nam Định đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành từng hạng mục.
Dự án thành phần số 2 đê biển Cồn Tròn, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) là công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai của tỉnh Nam Định. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đại Phong đang tập trung thi công giải phóng mặt bằng, đúc cấu kiện bê tông. Theo kỹ sư Chu Xuân Tới, Phó Giám đốc phụ trách thi công của Công ty Cổ phần Đại Phong, đơn vị đang tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện máy móc đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Trước đó, việc thi công của đơn vị gặp khó khăn do thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025 gặp thời tiết diễn biến phức tạp, mưa rét kết hợp với gió biển to. Để đảm bảo tiến độ dự án đã cam kết với UBND tỉnh Nam Định, đơn vị đã linh hoạt trong việc bố trí lịch làm việc, tổ chức che chắn, bảo đảm thiết bị bảo hộ lao động, chống rét cho công nhân thi công liên tục. Nhờ đó, đến thời điểm này, nhà thầu thi công đã hoàn thiện việc san gạt mặt bằng bãi đúc cấu kiện; tập kết máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu, gia công ván khuôn các loại cấu kiện và triển khai thi công hạng mục kè Thịnh Long.
Đối với kè bảo vệ bờ, vận chuyển đất về bãi để đắp, khối lượng đạt 7.000/56.190,5m3 và triển khai đúc các loại cấu kiện bê tông đạt 5.392/28.695 cấu kiện. Đối với mỏ số 1 thuộc hệ thống 12 mỏ hàn chữ T giảm sóng, gây bồi tạo bãi bảo vệ kè, đang triển khai gia công ván khuôn các loại cấu kiện, đúc được 672/2.690 cấu kiện. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai đúc các loại cấu kiện bê tông đúc sẵn thuộc hệ thống mỏ hàn. Giá trị xây lắp đã thực hiện ước đạt 7,2 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của các cơn bão lớn đã gây thiệt hại một số tuyến đê, kè tại Nam Định. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là các cơn bão lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng một số tuyến đê, kè và ảnh hưởng đến sự an toàn cả hệ thống đê, kè của tỉnh Nam Định. Trước tình hình đó, ngày 24/5/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1096/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng nâng cấp một số đoạn đê, kè để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên tuyến đê hữu Hồng và các tuyến đê biển tỉnh Nam Định do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án xây dựng chuyên ngành NN&PTNT tỉnh Nam Định là đơn vị quản lý dự án. Đơn vị thi công là liên danh các Công ty Cổ phần: Xây dựng Giao Thủy, Gia Minh và Xây dựng công trình Nam Đô.
Mục tiêu của dự án là nâng cấp một số đoạn đê, kè để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên tuyến đê hữu Hồng và các tuyến đê biển tỉnh Nam Định nhằm tăng cường khả năng phòng, chống lụt bão; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ vùng đất canh tác hoa màu khu vực bãi ven sông của các địa phương vùng dự án...
Theo ông Hoàng Đình Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Dự án nâng cấp một số đoạn đê, kè để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên tuyến đê hữu Hồng và các tuyến đê biển tỉnh Nam Định có tổng chiều dài gần 4.968m, trong đó tuyến đê hữu Hồng (thành phố Nam Định) dài 1.170m, tuyến đê biển Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) dài hơn 1.028m, tuyến đê biển Gót Tràng (Hải Hậu) dài 1.469m và tuyến đê biển Giao Hương (Giao Thủy) dài hơn 700m. Tổng mức đầu tư của dự án là 150 tỷ đồng, thời gian thực hiện là các năm 2024-2027…
Mặc dù thời tiết bất lợi nhưng để bảo đảm tiến độ, Ban Quản lý dự án luôn giám sát, đôn đốc các nhà thầu tập trung huy động máy móc, trang thiết bị, vật tư đẩy nhanh tiến độ, thường xuyên động viên anh em công nhân, quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành sớm để đưa công trình vào sử dụng. Nhờ đó đến thời điểm này, tiến độ xây dựng, khối lượng công việc hoàn thành theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Dự án thành phần số 2 xây dựng đê biển Cồn Tròn (Hải Hậu) thuộc Dự án “Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ” được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4289/QĐ-BNN-ĐĐ ngày 19/10/2023. Mục tiêu của dự án là chống sạt lở, giảm sóng, gây bồi tạo bãi, tăng cường khả năng an toàn cho tuyến đê biển hiện có để bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng thiết yếu phía trong đê; phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ đê biển khi có sự cố, góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Tổng mức đầu tư dự án là 500 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý, thời gian thực hiện 2022-2025. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong. Đại diện nhà thầu thi công cho biết, triển khai thi công hạng mục kè Thịnh Long đơn vị đang tập trung vận chuyển đất về bãi để đắp 7.000/56.190,5m3 và triển khai đổ bê tông đúc các loại cấu kiện đạt 5.392/28.695 cấu kiện bê tông; đối với hệ thống 12 mỏ hàn chữ T giảm sóng, gây bồi tạo bãi bảo vệ kè hiện đã tập kết vải lọc 20.000/54.938m2, đá hộc 6.500/72.253m3; đúc 2.063/32.280 cấu kiện bê tông các loại. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi công lắp đặt cấu kiện các mỏ hàn. Tổng trị giá xây lắp thực hiện tại gói thầu ước đạt 15/449,02 tỷ đồng…
Theo Ban quản lý dự án chuyên ngành NN&PTNT, hiện các dự án đang bước vào giai đoạn thi công nước rút, vượt qua thời tiết khắc nghiệt rét mướt, gió to, với tinh thần tập trung khắc phục mọi khó khăn về mặt bằng, hỗ trợ tối đa về nhân lực, máy móc và hậu cần để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tất cả các lực lượng từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương, nhà thầu thi công, đặc biệt là đội ngũ công nhân, kỹ sư tại công trường đang ra sức chạy đua với thời gian bảo đảm hoàn thành công trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong công tác phòng chống thiên tai, an toàn đê điều, an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Các nhà thầu tập trung vật tư, máy móc thiết bị, nhân lực phục vụ thi công theo tiến độ đã cam kết để công trình sớm hoàn thành.