Nam Định gấp rút lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp cấp xã và sáp nhập tỉnh
Sở Nội vụ tỉnh Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố trong địa bàn gấp rút chuẩn bị lấy ý kiến cử tri đến phạm vi đại diện hộ gia đình về phương án sắp xếp cấp xã và sáp nhập tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình
Ngày 17/4, ông Trần Văn Dương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định ký văn bản số 3200 đề nghị UBND các huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh gấp rút chuẩn bị lấy ý kiến cử tri đến phạm vi đại diện hộ gia đình về phương án sắp xếp cấp xã và sáp nhập tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Nội dung lấy ý kiến tập trung vào hai vấn đề: Một là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập một đơn vị hành chính cấp xã mới; Hai là sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (sáp nhập tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh mới).

Trụ sở UBND tỉnh Nam Định
Việc lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình dự kiến hoàn thành trước ngày 23/4/2025. Hình thức, nội dung, trình tự thủ tục, thời gian lấy ý kiến thực hiện theo Kế hoạch của UBND tỉnh Nam Định.
Trước đó, theo chủ trương được Trung ương thống nhất, sáp nhập tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh mới mang tên là Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Hoa Lư, Ninh Bình.
Ngoài ra, chính quyền địa phương tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Số lượng xã, phường từ hơn 10.000 sẽ rút xuống còn khoảng 5.000.
UBND các tỉnh, thành lập hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 1/5, theo yêu cầu của Chính phủ. Bộ Nội vụ sẽ tiến hành thẩm định và lập hồ sơ đề án sáp nhập xã, phường để trình Chính phủ trước 30/5, sau đó Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Đến giữa tháng 4, có 34 tỉnh thành đưa ra dự thảo phương án sắp xếp để tính toán. Phương án này có thể thay đổi trước khi trình Chính phủ. Trong số này, Nghệ An có số phường, xã nhiều nhất là 412 giảm còn 130 (gần 70%), TP HCM từ 273 xuống 102 (62%)... Địa phương có đơn vị hành chính ít nhất là Đà Nẵng từ 47 còn 13 (giảm gần 72%), tiếp đến Ninh Thuận từ 62 còn 17 (72%), Bạc Liêu từ 64 xuống 25 (61%)...