Nắm bắt 'điểm vàng' thị trường Nga

Nga và Việt Nam đang mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực nông sản, kinh tế số, công nghệ. Dù cơ hội lớn, rào cản như logistics, chính sách, và chuỗi cung ứng vẫn tồn tại. Với sự hỗ trợ từ hai chính phủ và chiến lược bài bản, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng lớn từ thị trường Nga.

Thêm những động lực mới

Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Nga năm 2024 ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với năm 2023

Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Nga năm 2024 ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với năm 2023

Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại khu vực ASEAN, còn Nga là một trong năm đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU).

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU) có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng khoảng 90% so với năm 2016 (thời điểm VN - EAEU được ký kết). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016, với các mặt hàng chính như dệt may, thủy sản, máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nga các mặt hàng chủ lực như phân bón, than, linh kiện phụ tùng ô tô và phương tiện vận tải. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã gây ra những tác động không thuận lợi, khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2022 giảm khoảng 50% so với trước đó. Đến năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga vẫn duy trì ở mức 4,58 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2023.

Đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Nga - Việt Nam hiện nay, ông Viacheslav Kharinov - Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam cho rằng, trước diễn biến tình hình thế giới phức tạp, hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn tiếp tục được thúc đẩy trong năm 2024 và đạt những thành tựu rất tốt.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Nga - Mikhail Mishustin vào ngày 14/1/2025, lãnh đạo Chính phủ hai nước đã thảo luận và thống nhất thúc đẩy việc tận dụng hiệu quả các cơ hội từ Hiệp định VN - EAEU. Mục tiêu là nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều, thúc đẩy đầu tư song phương và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, cũng như tăng cường kết nối giữa các địa phương.

Ông Kharinov cho biết, phía Nga sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nga, nhằm nối tiếp những thành tựu hiện có và mở rộng các cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm và công nghệ thông tin của Nga.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga - ông Dương Hoàng Minh cho biết, để thúc đẩy hợp tác thương mại, hai nước đã từng bước tháo gỡ các khó khăn về vận tải trên tuyến biển Vladivostok - Hải Phòng - TP.HCM; tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga. Đường hàng không cũng đã nối lại tuyến bay trực tiếp Matxcơva - TP.HCM từ năm 2024. Ngoài ra, hãng hàng không IAERO của Nga đã thực hiện tuyến bay trực tiếp từ thành phố Irkutsk đến Hà Nội với tần suất 2 chuyến/tuần từ giữa năm 2023.

Đến nay, cả Nga và Việt Nam đều đã nới lỏng các quy định về visa. Công dân Việt Nam hiện có thể xin visa điện tử để nhập cảnh vào Nga, trong khi công dân Nga được miễn visa khi lưu trú tại Việt Nam trong thời hạn tối đa 45 ngày.

Những yếu tố nêu trên cùng với nền tảng quan hệ về chính trị, ngoại giao tốt đẹp ngày càng được củng cố, đã và đang tạo ra những động lực mới để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh hơn.

Chiến lược phải bài bản

Gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và Nga đã tham dự Đối thoại cấp cao doanh nghiệp, do Thủ tướng 2 nước chủ trì, ngày 15/1 tại Hà Nội

Gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và Nga đã tham dự Đối thoại cấp cao doanh nghiệp, do Thủ tướng 2 nước chủ trì, ngày 15/1 tại Hà Nội

Bên cạnh những động lực và cơ hội mới đang mở ra, hoạt động xuất nhập khẩu và triển khai các dự án đầu tư song phương giữa hai bên vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Tại cuộc đối thoại cấp cao doanh nghiệp, do Thủ tướng hai nước chủ trì ở Hà Nội ngày 15/1/2025, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nêu lên các vấn đề như: quy trình thông quan tại Nga còn phức tạp, cơ sở hạ tầng logistics thiếu hụt, chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự thông thoáng và hấp dẫn. Ngoài ra, rủi ro trong thanh toán quốc tế và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do tình hình biến động cũng gây nhiều lo ngại.

Để thành công xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược bài bản. Doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ thị trường Nga về thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng và các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu.

Kinh nghiệm cho thấy, để tiếp cận thị trường và tìm kiếm khách hàng với tỷ lệ thành công cao, các doanh nghiệp nên trực tiếp tham gia và trưng bày sản phẩm tại các triển lãm chuyên ngành lớn ở Nga hoặc đến tham quan để mở rộng mạng lưới quan hệ. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng kênh phân phối trực tiếp tại Nga hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để mở rộng thị phần.

Đặc biệt, phát triển hệ thống logistics hiệu quả là yếu tố then chốt để tối ưu hóa chi phí và giá vận tải, nhất là đối với các mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn.

Trong bối cảnh Nga đang chuyển hướng tìm kiếm đối tác kinh tế tại châu Á, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nhận định rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động khai thác cơ hội hợp tác với đối tác Nga trong các lĩnh vực như xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu. Đây là những lĩnh vực Nga có nhu cầu cao, trong khi Việt Nam lại sở hữu lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số cũng được đánh giá là một tiềm năng khả thi, mở ra nhiều triển vọng phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác Nga trong các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh, như năng lượng, khai khoáng và công nghệ. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp chế biến.

Việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với các tổ chức và hiệp hội kinh doanh tại Nga sẽ mang lại sự hỗ trợ quan trọng trong các hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đối tác và chính quyền địa phương là cần thiết để giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan đến đầu tư và thương mại khi kinh doanh tại Nga.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Nga, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, nhấn mạnh rằng đầu tư sang Nga không chỉ mang yếu tố tình nghĩa, mà còn là minh chứng cho tư duy nắm bắt "điểm vàng" kinh doanh. Bà cho rằng, ngoài vốn, công nghệ và nhân lực, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, đồng thời nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu. Nhờ phát hiện các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nga cùng những chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn, minh bạch và thống nhất từ trung ương tới địa phương, Tập đoàn TH đã quyết định mạnh dạn đầu tư vào thị trường này.

Bà Hương cho biết, dự án TH đầu tư vào nông nghiệp được phía Nga hỗ trợ hoàn 30% tổng giá trị đầu tư, hỗ trợ 3/4 lãi suất. TH cam kết đầu tư lâu dài tại Nga và kỳ vọng các chính sách ưu đãi sẽ tiếp tục được phía Nga bảo lưu.

Ngọc Quỳnh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nam-bat-diem-vang-thi-truong-nga-315639.html
Zalo