Nam – Bắc Một Nhà
Trên mạng xã hội, xuất hiện bài viết với nội dung 'ngăn chặn sự Bắc hóa ngôn ngữ Miền Nam,'. Không biết xuất phát từ luận gì, điểm nào hay học tập từ thế lực nào mà kẻ đăng bài viết kia rắp tâm khoét sâu vào nỗi đau trong lòng dân tộc. Những lời lẽ tưởng chừng vô hại này thực chất là một chiêu bài nguy hiểm, nhằm chia rẽ, kích động hiềm khích, gây mất ổn định trong nhân dân. Làm gì có chuyện Bắc – Nam, sự kích động, phân biệt vùng miền chỉ là hành động của kẻ ngu xuẩn hoặc kẻ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà thôi.
Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam không phải bỗng dưng mà có. Về lịch sử hình thành, thì qua quá trình mở mang bờ cõi, mà người Việt ta đã tiến xuống phía Nam. Nói một cách hình tượng thì vùng đất Miền Nam chính là kết tinh của mồ hôi, máu xương của bao thế hệ người Việt. Từ thời các chúa Nguyễn, những người con miền Bắc và miền Trung đã rời xa đất mẹ, mang gươm đi mở cõi, dựng nên một phương Nam trù phú từ chốn rừng thiêng nước độc. Chẳng thế mà nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, một người con đất Việt ở Phương Nam đã từng thổ lộ nỗi lòng của người Miền Nam khi vọng về đất Tổ:
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
Cũng bởi “say bước quá xa miền” nên khi nhớ về nguồn cội những người con đất Bắc, ở trời Nam mới chợt buồn mà rằng:
"Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long."
Để đến hôm nay, giang san cẩm tú của ta trải dài ra hai miền Nam – Bắc. Mỗi miền ở một phương trời, nhưng chỉ là một trong những mảnh ghép của một bức tranh Tổ quốc thiêng liêng. Từ tiếng hát xoan, quan họ ở đất Hồng Hà đỏ nặng phù sa đến lời vọng cổ đượm buồn hoài niệm nơi Cửu Long Giang tất cả đều hòa quyện trong một hồn Việt, không thể chia rời.
Nhìn lại lịch sử, vốn nước ta không có miền Nam – Bắc mà chính thực dân Pháp, với chính sách “chia để trị” đã cắt đất, ngăn sông ta để thành xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thành ba đơn vị quản lý khác nhau, khiến người dân trong nước phải chịu nhiều thiệt thòi. Ách nô lệ đã kìm kẹp dân ta đến cùng, đến khổ, ấy vậy mà hôm nay, con cháu những người đã từng lấy máu tế cờ, quyết giành độc lập lại vô tri mà thở ra những từ ngữ phân biệt vùng miền. Với Tổ quốc, đó là kẻ phá hoại. Với gia đình, đó là kẻ bất hiếu với cha ông. Và với dòng giống Lạc Hồng, thì đó là đại nghịch bất đạo.
Thời đại Hồ Chí Minh, cũng bởi đau đáu việc nhất thống sơn hà mà Bác cùng bao người con ưu tú của nước ta đã sẵn sàng cống hiến, hy sinh cả tính mạng để thực hiện cho được ước vọng, khát khao cháy bỏng đó. Bác Hồ đã từng nói “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Cũng vì khát khao đó, Bác đã có một câu nói đi vào lịch sử: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Thế nên mới có câu hát:
"Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà.
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha."
Chỉ trong hai câu hát ấy, tình yêu thương, sự gắn bó không thể tách rời giữa Nam – Bắc đã được khắc họa rõ nét. Đó là tình cảm của một nhà, một dân tộc không thể chia lìa.
Thật may, những kẻ khuyết tật trong tư duy kia chỉ là thiểu số. Dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử, người dân miền Nam chưa bao giờ quay lưng với nguồn cội dân tộc. Trên khắp các miền đất phương Nam, từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các đô thị lớn như Sài Gòn, người ta vẫn giữ truyền thống thờ cúng các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng... Và nhất là họ đều biết rằng dù Bắc hay Nam thì đều là con Lạc cháu Hồng. Hiện nay, đền thờ Vua Hùng vẫn hiện diện trang nghiêm, là nơi người dân đến dâng hương, kính nhớ cội nguồn.
Chúng ta hãy nhớ rằng, những khác biệt trong ngôn ngữ, phong tục giữa các vùng miền chỉ là màu sắc đa dạng tô điểm cho bức tranh văn hóa Việt Nam thêm đậm đà bản sắc. Không ai Bắc hóa Nam, cũng không ai Nam hóa Bắc. Tất cả chúng ta đều từ “trăm trứng” đều là “đồng bào” (nghĩa là cùng một bào thai) là con cháu của vua Hùng, cùng chung một dòng máu Lạc Hồng. Bởi vậy, trong kháng chiến chống ngoại xâm, chính sự đoàn kết giữa những người “đồng bào” ấy đã làm nên sức mạnh vô song. Người dân miền Bắc không tiếc máu xương để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng như thế, mỗi chiến thắng ở miền Nam là chiến thắng của cả dân tộc.
Những luận điệu như “ngăn chặn sự Bắc hóa ngôn ngữ miền Nam” không phải ngẫu nhiên xuất hiện. Chúng được nhào nặn, thêu dệt bởi những kẻ thù địch, những phần tử phản động, muốn phá hoại sự đoàn kết của dân tộc. Hãy thử nghĩ, nếu mỗi người Việt Nam chỉ nhìn vào sự khác biệt để đánh giá nhau, chúng ta sẽ đi đến đâu? Đừng quên bài học lịch sử: khi dân tộc bị chia rẽ, kẻ ngoại bang sẽ tìm cách lợi dụng. Câu nói của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng cảnh tỉnh: “Dân tộc nào không đoàn kết, dân tộc đó trở thành miếng mồi ngon cho ngoại bang.”
Chúng ta có nên để điều đó xảy ra?
Từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, mỗi người Việt Nam đều là một phần của đất nước. Chúng ta là một dân tộc, chung một cội nguồn và đương nhiên là chung một tương lai. Sự khác biệt chỉ làm cho chúng ta phong phú hơn, đẹp đẽ hơn, chứ không phải là lý do để xa cách nhau. Chưa bao giờ, chưa khi nào trong một người con đất Việt chân chính lại có chuyện phân biệt vùng miền, lại có chuyện xa cách Bắc – Nam. Bởi như đã phân tích, Miền Nam ngay nay chẳng phải do người ngoài Bắc “mở cõi” đó sao. Thế nên mới có câu thơ:
"Ai về đất Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng."
Hôm nay, các Vua Hùng hoàn toàn có thể tự hào bởi các lớp con cháu đã mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng, to đẹp. Những người con đất Việt luôn nhớ:
Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày giỗ Tổ, mùng mười, tháng ba.