Kon Tum: Hấp dẫn tiếng cồng chiêng của bà con người Xơ Đăng

Đến nay bà con Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum vẫn bảo tồn và phát huy giá trị nét văn hóa của dân tộc mình trong cuộc sống. Tiếng cồng chiêng rung ngân trong các lễ hội đã góp phần đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bà con Xơ Đăng đến với hội thi

Bà con Xơ Đăng đến với hội thi

Ngày 28/11 tại Quảng trường Trung tâm, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum khai mạc Hội thi Cồng chiêng, múa xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng lần thứ II năm 2024.

Từ sáng sớm, hàng trăm người dân đồng bào Xơ Đăng đã cùng nhau kéo về Quảng trường trong niềm vui gặp gỡ, giao lưu, dự thi và biểu diễn những bài cồng chiêng, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiếng cồng chiêng của các bài thi được bà con mang về dự thi lần này tập trung phản ánh nét đẹp của văn hóa và tình yêu quê hương đất nước, yêu bản làng, lòng tự hào dân tộc, ca ngợi sự phát triển của đất nước.

Hội thi cồng chiêng kéo dài trong 2 ngày (từ ngày 28 đến ngày 29/11), là 1 trong 5 sự kiện do huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024; kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tu Mơ Rông.

Tham gia hội thi cồng chiêng, xoang có 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện. Mỗi đội có khoảng 25 người trở lên, bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Các đội thi sẽ có 5 phần thi, trong đó, sẽ tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc, hơi thở cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng; trình diễn các bài cồng chiêng gắn liền với múa xoang; trình diễn các tiết mục dân ca truyền thống; chỉnh âm cồng chiêng…

Nét đẹp văn hóa của bà con Xơ Đăng

Nét đẹp văn hóa của bà con Xơ Đăng

Điểm đặc biệt của hội thi lần 2 là trong một đội thi, có nhiều lứa tuổi tham gia, từ trẻ em đến người lớn. Họ đoàn kết, cùng say sưa biểu diễn những bài chiêng, điệu xoang, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với bà con Xơ Đăng nói riêng, bà con các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Tây Nguyên nói chung, tiếng cồng chiêng gắn bó với họ trong suốt cả cuộc đời. Ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được cha mẹ thổi âm công chiêng vào tai, rồi cõng đi xem các lễ hội để được nghe cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng cũng lớn dần theo tuổi tác của họ, ngấm vào máu thịt. Họ đánh cồng chiêng thành thạo, như hơi thở, như mặt trời chiếu nắng xuống rừng cây; rồi họ múa xoang, họ hát, nhảy các vũ điệu dân gian của dân tộc mình. Đến lúc trưởng thành, từ các lễ hội cồng chiêng, hát đối để giao duyên, tìm kiếm bạn đời. Đến khi qua đời, cũng được tiếng cồng chiêng đưa tiễn.

Bộ cồng chiêng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Xơ Đăng, được xem như một vật thiêng, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng; là nơi gửi gắm những tâm tư, tình cảm, gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của đồng bào. Mỗi bản cồng chiêng là dành riêng cho một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc. Đó cũng là lời tâm tình của lòng người với trời đất, núi rừng, lời tâm sự của các đôi trai gái tìm duyên để hát đối đáp nhau. Qua đó, biết bao đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.

Các nghệ nhân trổ tài trong hội thi

Các nghệ nhân trổ tài trong hội thi

Ngày nay, cứ vào các dịp lễ, Tết, lễ mừng lúa mới hay lễ xuống đồng, đồng bào Xơ Đăng lại mở hội cồng chiêng. Thường vào các ngày đầu năm của Tết Âm lịch, người dân nơi đây chọn làm ngày đẹp để tổ chức hội cồng chiêng, múa xoang với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc, làng bản yên vui…

Theo đồng chí Võ Trung Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, thì đến nay trên địa bàn tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95% dân số. Từ nhiều năm nay, ngoài việc chú trọng phát triển đời sống kinh tế, giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con địa phương, Huyện ủy, UBND huyện đã xác định nhiều chủ trương chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của bà con các dân tộc nói chung, các lễ hội và không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng, bởi đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông vẫn bảo tồn được tiếng cồng chiêng trong đời sống văn hóa tâm linh, góp phần đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi văn hóa Xơ Đăng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chứng tỏ các chính sách bảo tồn văn hóa mà địa phương triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực.

Nét đẹp văn hóa của bà con Xơ Đăng đến với hội thi cồng chiêng

Nét đẹp văn hóa của bà con Xơ Đăng đến với hội thi cồng chiêng

Đến nay, cái chúng tôi làm được là bảo tồn và khuyến khích để đồng bào Xơ Đăng phát huy vẫn duy trì được không gian văn hóa cồng chiêng, nét văn hóa truyền thống đặc sắc và thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan ban ngành chức năng, khuyến khích các nghệ nhân tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, biên soạn thành sách, quay video để làm tư liệu lưu trữ cho thế hệ trẻ sau này. Đồng thời, đưa các làn điệu, bài đánh cồng chiêng, múa xoang vào trong trường học cũng như phục vụ du khách khi đến tham quan, du lịch trên địa bàn.

Không khí lễ hội trở nên rộn ràng tươi vui khi tiếng cồng chiêng hòa lẫn với tiếng hát và tiếng hò reo cổ vũ cho những thành viên tham gia các trò chơi dân gian truyền thống.

Gió và nắng, núi rừng, đất trời mời gọi và mọi người đã hòa mình vào những âm thanh lôi cuốn của cồng chiêng…

Lê Quang Hồi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kon-tum-hap-dan-tieng-cong-chieng-cua-ba-con-nguoi-xo-dang-a27368.html
Zalo