Năm 2030 trên 95% người dân khám chữa bệnh được BHYT chi trả là khả thi

Với những bước tiến trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) theo Luật mới sửa đổi, mục tiêu đến 2030 trên 95% người dân khám chữa bệnh được BHYT chi trả là khả thi. Song song với đó, số người tham gia BHYT tự nguyện được dự báo cũng sẽ tăng nhanh trong vài năm tới.

Nhiều bất cập đã được tháo gỡ

Cuối tháng 3/2025, Bộ Y tế đã tổng kết việc thực hiện các Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Nghị định 75/2023/NĐ-CP và Nghị định 02/2025/NĐ-CP về hướng dẫn triển khai Luật BHYT. Song song với đó, Bộ này cũng đã xin ý kiến về dự thảo Nghị định mới hướng dẫn triển khai Luật BHYT (sửa đổi năm 2024), dự kiến có hiệu lực toàn diện vào đầu tháng 7 năm nay.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ khi Nghị định 146/2018/NĐ-CP được ban hành đến nay, lĩnh vực BHYT đã có nhiều bước tiến quan trọng. Đến tháng 8/2024 số người tham gia BHYT trên cả nước đạt gần 93 triệu người, bao phủ 93,35% dân số. Các công tác thông tuyến, số hóa thẻ BHYT, thanh toán, chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), thanh quyết toán quỹ BHYT... đều đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, nhiều bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về BHYT gần đây đã được hóa giải bằng việc Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi.

Điểm mới nổi bật nhất trong Luật BHYT sửa đổi là xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh trong KCB BHYT và mở rộng thêm nhiều trường hợp được chi trả 100% chi phí KCB. Cụ thể, theo các quy định mới, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở y tế ban đầu trên phạm vi toàn quốc. Mức chi 100% cũng sẽ áp dụng khi người dân KCB nội trú tại bệnh viện, cơ sở KCB cấp cơ bản, không phân biệt giữa các tỉnh, thành. Ngoài ra, người dân được xác định mắc các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được phép chuyển thẳng lên cơ sở KCB cấp chuyên sâu và được BHYT chi trả 100% mức hưởng theo quy định.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, các quy định mới này đã giúp tháo gỡ hàng loạt bất cập trước đó khi triển khai các Nghị định 96/2023/NĐ-CP (về hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh) và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (về hướng dẫn triển khai Luật BHYT). Do hồ sơ và thủ tục chuyển tuyến BHYT theo các văn bản pháp lý này khá phức tạp, thiếu đồng bộ giữa hai Luật, khiến các bệnh viện mất nhiều thời gian rà soát.

Ngành Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95% dân số cả nước

Ngành Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95% dân số cả nước

Đối với lĩnh vực quản lý Quỹ BHYT và cơ chế thanh toán tiền thuốc, tiền thiết bị y tế, theo các chuyên gia các quy định hiện nay cũng đã khá rõ ràng, mạch lạc. Theo đó, tỷ lệ chi cho KCB từ nguồn thu BHYT được tăng lên mức 92%; tỷ lệ tiền dành cho quỹ dự phòng và tổ chức hoạt động Quỹ BHYT được giảm xuống còn 8%, nhằm tăng cường nguồn lực tài chính chi trả cho người tham gia BHYT, đồng thời duy trì các ưu đãi hỗ trợ và giảm mức đóng đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Trong khi đó, việc bổ sung cơ chế thanh toán tiền thuốc, thiết bị y tế trong các trường hợp điều chuyển cơ sở KCB cũng giúp các bệnh viện đẩy nhanh thủ tục chi trả BHYT cho người bệnh.

Tăng độ phủ nhóm tự nguyện

Theo đánh giá của các chuyên gia và một số hộ kinh doanh, việc thông tuyến đồng nhất trên phạm vi toàn quốc đối với chi trả chi phí KCB BHYT là bước cải tiến tích cực trong lĩnh vực này. Bởi từ trước đến nay, những bức xúc xoay quanh mức độ chi trả chênh lệnh giữa KCB “đúng tuyến” và “trái tuyến” là khá phổ biến đối với người tham gia BHYT. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế phục vụ KCB, cùng với chênh lệch mức chi trả giữa KCB “đúng tuyến” và “trái tuyến”, khiến người dân có cái nhìn chưa tích cực về BHYT.

Tại các địa phương khu vực nông thôn, theo các cơ quan BHXH việc triển khai phổ cập BHYT những năm vừa qua diễn ra khá nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phát triển số lượng người tham gia BHYT không đồng nghĩa với việc “nâng chất” dịch vụ KCB BHYT do các vấn đề liên quan đến danh mục thuốc, thiết bị thuộc phạm vi BHYT chi trả chậm đổi mới, cập nhật; tỷ lệ chi trả chưa phù hợp và tình trạng quá tải ở các cơ sở KCB BHYT diễn ra rất phổ biến.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến giữa năm 2024, cả nước có gần 23,5 triệu người tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình. Con số này chiếm chỉ khoảng 73% trên tổng số người thuộc diện tham gia của nhóm không được ngân sách hoặc bên sử dụng lao động hỗ trợ mua BHYT. Điều này đồng nghĩa rằng, hiện nay vẫn còn khoảng 12 triệu người thuộc nhóm mua tự nguyện chưa tham gia BHYT. Vì vậy các chính sách cần ưu đãi hơn để khuyến khích người dân tham gia mua BHYT, hưởng các quyền lợi về KCB theo Luật BHYT sửa đổi.

Ghi nhận từ phía Bộ Y tế cho thấy rằng, hiện nay việc cơ quan này đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho học sinh sinh viên; mở rộng phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT (trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi); bổ sung các trường hợp nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản… vào danh mục được hỗ trợ chi phí đóng BHYT là những sửa đổi pháp lý khá tích cực, giúp tăng độ bao phủ và phổ cập BHYT toàn dân. Dự thảo Nghị định mới hướng dẫn triển khai Luật BHYT đang được Bộ Y tế gấp rút hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý III/2025. Đây sẽ là động lực để các quy định mới về chi trả đồng nhất 100% chi phí KCB sớm được triển khai trên thực tế và tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nam-2030-tren-95-nguoi-dan-kham-chua-benh-duoc-bhyt-chi-tra-la-kha-thi-162270.html
Zalo