Bộ Y tế yêu cầu gấp rút hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử trong tháng 9/2025
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là một nhiệm vụ trọng yếu và mang tính cấp bách, vì vậy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này.
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên toàn quốc, với yêu cầu hoàn thành mục tiêu này trong tháng 9/2025.

Tiến độ triển khai bệnh án điện tử hiện vẫn còn chậm tại các cơ sở y tế.
Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) do Bộ Y tế vừa chính thức thông qua, sau nhiều năm trễ tiến độ so với mục tiêu đã đề ra trong Thông tư số 46/2018/TT-BYT.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là một nhiệm vụ trọng yếu và mang tính cấp bách, vì vậy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này.
Mỗi cơ quan, đơn vị cần ưu tiên nguồn lực, huy động sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đồng thời quyết liệt triển khai và bảo đảm chất lượng, tiến độ tại tất cả các bệnh viện và viện có giường bệnh trên toàn quốc, với mục tiêu hoàn thành trong tháng 9/2025 theo Chỉ thị 07/CT-TTg.
Mục tiêu của việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là mang lại hiệu quả thực chất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh, từ đó tạo ra những lợi ích thiết thực cho người dân và các cơ sở y tế. Đồng thời, việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu bệnh nhân sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, theo đúng quy định.
Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức yêu cầu Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo chủ trì việc sửa đổi, cập nhật Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (thay thế Thông tư 46/2018/TT-BYT) trong tháng 4/2025.
Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng và các chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử, yêu cầu hoàn thành vào tháng 4/2025.
Đồng thời, Cục Quản lý y, dược cổ truyền sẽ chủ trì việc hoàn thiện bộ danh mục về chuyên môn, thuật ngữ lâm sàng liên quan đến y, dược cổ truyền, cũng phải hoàn thành trong tháng 4/2025.
Về mặt tài chính, Bộ Y tế cho biết sẽ tích hợp chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Vụ Kế hoạch-Tài chính được giao nhiệm vụ thực hiện công việc này, yêu cầu hoàn thành vào tháng 6/2025.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh y tế qua hệ thống RIS-PACS, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế các bộ, ngành; và các bệnh viện trên toàn quốc lập kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị và bảo đảm hoàn thành việc triển khai tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc chậm nhất vào tháng 9/2025.
Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử của Bộ Y tế mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế.
Theo lộ trình của Thông tư số 46, đến cuối năm 2023, 135 bệnh viện hạng 1 phải triển khai thành công hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử và khuyến khích các cơ sở y tế khác tham gia.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, cả nước chỉ có 94 cơ sở y tế thông báo đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đạt tỷ lệ 23,7%, trong đó có 32 bệnh viện hạng 1, 44 bệnh viện hạng 2, 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân.
Về tốc độ thực hiện bệnh án điện tử, theo tìm hiểu phóng viên được biết, một số cơ sở y tế tại Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh công tác này. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống bệnh án điện tử đã được triển khai từ tháng 11/2024.
Người bệnh và bác sỹ đều đánh giá cao sự thuận tiện và nhanh chóng mà hệ thống này mang lại. Bệnh nhân chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân và bệnh sử được hiển thị ngay lập tức, giúp quá trình phân luồng và thăm khám diễn ra nhanh chóng, tiện lợi.
Trước đây, người bệnh có thể phải chờ đợi suốt cả ngày để hoàn tất các thủ tục khám chữa bệnh, nhưng giờ đây, với hệ thống bệnh án điện tử, mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ mất khoảng 2 giờ từ khi bắt đầu thủ tục đến khi có kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, và đơn thuốc đã hoàn tất. Mọi công đoạn đều được thực hiện qua công nghệ số, giúp giảm thiểu việc di chuyển và thất lạc giấy tờ.
Hệ thống bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai không chỉ giúp bác sỹ truy cập thông tin bệnh nhân nhanh chóng mà còn tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi và tránh sự trùng lặp trong các xét nghiệm, từ đó nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Nhờ đó, các ca bệnh được xử lý chính xác và kịp thời hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, việc triển khai bệnh án điện tử cũng đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể. Bác sỹ Lý Việt Hải, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết việc áp dụng bệnh án điện tử đã giúp bác sỹ dễ dàng truy cập kết quả xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán mà không cần phải in ấn các tài liệu. Điều này đã giảm đáng kể thời gian chờ đợi và sai sót.
Bác sỹ Nguyễn Thị Huyền Nga, Trưởng khoa Nhi chia sẻ thêm rằng bệnh án điện tử giúp bác sỹ dễ dàng tìm thấy thông tin bệnh nhân và cập nhật các dữ liệu mới, từ đó tiết kiệm thời gian cho cả bác sỹ và bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu sai sót trong công tác khám chữa bệnh.
Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống y tế, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là bước đột phá quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, không chỉ nâng cao hiệu quả công việc mà còn mang lại lợi ích lớn cho bệnh nhân, đồng thời giúp ngành y tế đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.