Năm 2025: Việt Nam còn nhiều dư địa cho đổi mới, sáng tạo

Năm 2025, Việt Nam có cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, dư địa cho đổi mới, sáng tạo còn rất nhiều.

Sáng 14/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong kỷ nguyên mới”.

Giữ ổn định vĩ mô là "không dễ" và "không đủ"

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định, dự báo tình hình thế giới và khu vực trong năm 2025 khá phức tạp. Tại thời điểm này, các kịch bản xung quanh việc Mỹ gia tăng các biện pháp thuế quan và các công cụ chính sách thương mại khác còn nhiều bất định. Bất ổn chính trị ở nhiều nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư, thương mại, chuyển đổi xanh...

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, phát biểu tại hội thảo.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh ấy, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội là một yêu cầu cần thiết, song “không dễ” và “không đủ”. Bối cảnh bất định ấy không chỉ toàn “màu xám”, mà đang mở ra không ít cơ hội phát triển cho các nước thu nhập trung bình.

Trong đó, khu vực Đông Nam Á đang có nhiều tiềm năng phát triển nhanh. Điều quan trọng là phải tận dụng tối đa các cơ hội, thông qua các cải cách thể chế kinh tế và nâng cao năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động một cách kịp thời nhất.

Một kết quả quan trọng của năm 2024 là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào triển vọng kinh tế trở nên tích cực hơn, thể hiện phần nào qua các con số như vốn FDI thực hiện đạt tới 25,35 tỷ USD, kiều hối ước đạt tới 16 tỷ USD.

Nhìn lại đầu năm 2024, Viện trưởng CIEM chia sẻ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội cho cả năm (từ 6-6,5%) là rất thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Việt Nam đã chuyển nhanh sang thực hiện các giải pháp toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm.

Sau tác động nghiêm trọng của cơn bão số 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả của bão, thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở các địa phương chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc tăng lương trở nên ý nghĩa hơn nhờ các giải pháp kiểm soát lạm phát.

Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội ấn tượng, toàn diện. Tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét, ước đạt 7,09% trong năm 2024. Lạm phát đạt 3,63%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Quốc hội.

Việt Nam có nhiều cơ hội quan trọng trong năm nay

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, qua đó đã tạo ra không khí hứng khởi cho cộng đồng khoa học trong những tuần gần đây.

Dư địa chính sách cho đổi mới, sáng tạo còn rất nhiều, nếu như kết nối được các lĩnh vực này với chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo,...), và nếu kết nối sớm được qua cách tiếp cận thử nghiệm chính sách.

Nhận định về bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể có một số cơ hội quan trọng. Thứ nhất, xu hướng phát triển của khoa học – công nghệ có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành, hoạt động, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, khoa học – công nghệ cao hơn.

Thứ hai, Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ hội từ thu hút đầu tư nước ngoài có thể mở rộng không gian cho tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ.

Thứ ba, Việt Nam có thể có cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải xử lý một số vấn đề, thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Đó là, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2025. Sự phát triển nhanh của các công nghệ mới - bên cạnh các cơ hội to lớn - cũng đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không sớm hiện thực hóa một cách tiếp cận phù hợp.

Bên cạnh đó, thu hút FDI có chất lượng là một yêu cầu đúng đắn, song khó có thể hiệu quả và đúng hướng nếu không kịp thời cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng của dự án, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế.

Lúc này, hiện thực hóa tăng trưởng cao là một yêu cầu quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển đầy tham vọng vào năm 2030 và 2045, song điều này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không đi kèm với áp lực lạm phát cao, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, tận dụng mô hình kinh tế mới, nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện năng suất lao động, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, chúng ta đã thẳng thắn nhận diện không ít khó khăn, thách thức, như rủi ro về bẫy thu nhập trung bình, các yếu tố tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh,...

“Với tâm thế ấy, các khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để Việt Nam quyết liệt hơn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế có tính căn bản hơn, tập trung vào đổi mới, sáng tạo và hội nhập để nền kinh tế có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và các thập niên tiếp theo”, Viện trưởng CIEM nhận định./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2025-viet-nam-con-nhieu-du-dia-cho-doi-moi-sang-tao-168626.html
Zalo