Để cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững (Bài 2)

Căn cứ vào việc triển khai mô hình và tiến độ thực hiện tại Di Linh, Cục Trồng trọt đã quyết định tài liệu hóa phương pháp tổ chức, công cụ thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu tại Di Linh để làm tài liệu hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng cho ngành hàng cà phê trong cả nước.

Bài 2: Di Linh tiên phong trong thí điểm mô hình

Đoàn đánh giá của Trung ương trong chuyến kiểm tra dữ liệu hiện trường tại huyện Di Linh trong tháng 7/2024

Đoàn đánh giá của Trung ương trong chuyến kiểm tra dữ liệu hiện trường tại huyện Di Linh trong tháng 7/2024

HOÀN TẤT DỮ LIỆU CHO TRÊN 43 NGÀN HA CÀ PHÊ

Trong tháng 1/2024, Chương trình PPI Compact huyện Di Linh bắt đầu triển khai hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và cơ sở dữ liệu vùng trồng đáp ứng theo yêu cầu của EUDR. Theo ông Bùi Đức Hào - Điều phối viên kỹ thuật Tổ chức IDH tại Di Linh, cùng với huyện Di Linh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và cơ sở dữ liệu cho vùng trồng còn được IDH tiến hành tại 3 huyện của Đắk Lắk là Ea H’leo, Krông Năng và Cư M’gar; tổng diện tích canh tác cà phê của 3 huyện này và của Di Linh là 135 ngàn ha, trong đó Di Linh chiếm diện tích lớn nhất với khoảng 50 ngàn ha.

Trong triển khai cơ sở dữ liệu rừng toàn huyện của Di Linh, đó là ranh giới quy hoạch 3 loại rừng với hiện trạng rừng vào thời điểm 31/12/2020 và thời điểm đối chứng. Còn với cơ sở dữ liệu vùng trồng toàn huyện tại Di Linh, chương trình tập trung vào cây cà phê và các cây trồng chính, trong đó có thông tin về tọa độ và thông tin địa lý của vườn cây; thông tin về diện tích trồng và sản lượng; thông tin chủ vườn và người canh tác.

Chương trình cũng xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm cà phê dành cho cà phê nhân xuất khẩu với các thông tin bắt đầu từ nông hộ - vườn cây đến các đại lý thu mua tại địa phương. Riêng việc truy xuất từ đại lý thu mua đến bước chế biến và xuất khẩu sẽ do các công ty phụ trách theo hệ thống riêng.

Về công tác quản lý, chia sẻ hệ thống dữ liệu vùng sản xuất, dữ liệu khảo sát sẽ được UBND huyện quản lý và đưa vào hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của huyện nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng phát triển nông nghiệp - nông thôn. UBND huyện Di Linh cũng sẽ quyết định việc chia sẻ thông tin, cung cấp dữ liệu hỗ trợ giúp cho các công ty, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê trên địa bàn thực hiện chương trình sản xuất bền vững và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu, quy định EUDR.

Cho đến cuối năm 2024, đã có 44.200 ha trên địa bàn toàn huyện được Chương trình khảo sát, trong đó có trên 43 ngàn ha đã được cập nhật vào hệ thống, còn khoảng 1.200 ha đang được cập nhập (vì công cụ khảo sát mới bổ sung thêm chức năng nhập thêm thông tin các vườn đã được tách thửa và các vườn chưa có dữ liệu địa chính đầu vào từ đầu tháng 11/2024).

Nếu tính theo tỷ lệ, hoạt động khảo sát tại Di Linh đã tiến hành được 98% tổng diện tích cà phê theo số liệu thống kê (45.000 ha) và đạt 89% diện tích theo số liệu ước tính (49.920 ha). Đã có 33.013 nông hộ tham gia hoạt động khảo sát và đã được cập nhật vào hệ thống.

TRIỂN KHAI RỘNG MÔ HÌNH ĐẾN NGÀNH HÀNG CÀ PHÊ CẢ NƯỚC

Theo ông Bùi Đức Hào, chương trình triển khai cùng lúc tại 4 huyện của Lâm Đồng và Đắk Lắk nhưng đến nay Di Linh, dù là huyện có diện tích cà phê lớn nhất nhưng là địa phương triển khai nhanh nhất; cơ bản đã hoàn tất cho phần diện tích canh tác ổn định, chỉ còn một phần diện tích nữa đang chờ xác định theo quy hoạch sử dụng đất cho vùng nông lâm nghiệp xen lấn. “Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của huyện, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị cấp cơ sở và sự tham gia của đại đa số người dân rất tốt. Công tác truyền thông được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục đã giúp người dân có sự hợp tác với chương trình nên tiến độ khảo sát khá nhanh”, ông Hào cho biết.

Tuy nhiên, như đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình PPI Compact huyện Di Linh, tiến độ khảo sát vẫn chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Một số nguyên nhân đưa ra trong đó có việc hệ thống cơ sở thông tin và phần mềm ứng dụng khảo sát cần phải được điều chỉnh liên tục để phù hợp với bối cảnh thực địa và do nguồn cơ sở dữ liệu đầu vào không đồng bộ. Một số diện tích trong huyện đã được khảo sát, nhất là ở các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Sơn Điền, Gia Bắc và Đinh Trang Thượng, do dữ liệu địa chính chưa chính xác, đầy đủ hoặc không có nên ảnh hưởng đến tiến độ cập nhật dữ liệu. Một số xã vẫn chưa quan tâm đúng mức về công tác vận động để người dân hợp tác với chương trình, dẫn đến một số nơi nông hộ chưa hiểu rõ về chương trình, không cộng tác, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ khảo sát. Một số cán bộ ở cấp thôn, xã chưa nhiệt tình, không hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đúng mức; chính quyền cấp xã một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện chương trình...

Thời gian sắp đến, Di Linh tiếp tục triển khai các hoạt động thích ứng với Quy định EUDR, trong đó có việc tăng cường cơ chế quản trị và giám sát, sản xuất và bảo tồn trên diện tích rừng và diện tích cà phê Robusta trên địa bàn huyện; tận dụng các nguồn lực từ khối công - tư, phát triển, nhân rộng phương pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp phát thải Carbon thấp; xây dựng và nâng cao năng lực về phương pháp tiếp cận cảnh quan cũng như các hoạt động can thiệp theo quy mô đơn vị cảnh quan.

Đồng thời, tiến hành hỗ trợ phân tích mẫu đất với những hộ dân có nhu cầu, thông báo về tình trạng đất cũng như các cải thiện cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng và tránh suy thoái đất; khuyến khích áp dụng sản suất nông nghiệp bền vững, bảo tồn đất theo hướng nông nghiệp tái sinh; tiếp tục triển khai các hoạt động phối hợp và lồng ghép từ Dự án PPI Compact với Dự án Landscape của Tổ chức UNDP; thiết kế và thử nghiệm khung pháp lý cho mô hình đầu tư chuyển đổi Carbon. Hỗ trợ các hoạt động phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương về mặt thủ tục, điểm trưng bày sản phẩm và tổ chức các lớp đào tạo cho các chủ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh; tăng cường kết nối chuỗi cung ứng qua mô hình dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào, gia tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm cà phê và trồng xen.

Đối với nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Kế hoạch thích ứng với quy định của EUDR, Ban Chỉ đạo chương trình huyện Di Linh cho biết sẽ tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến những nông hộ chưa được khảo sát, vận động, tuyên truyền các nông hộ; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức xã; phối hợp các đoàn thể chính trị xã hội trong việc vận động, phụ trách hỗ trợ từng thôn, tổ dân phố, đặc biệt là những nơi có tiến độ thấp, chưa đạt yêu cầu. Cơ sở dữ liệu sau khi hoàn thành sẽ được cập nhật vào hệ thống điều hành thông minh IOC của huyện.

Trong tháng 7/2024, đoàn đánh giá kỹ thuật từ Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu với sự tham gia của các chuyên viên từ Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Cục Trồng trọt và Trung tâm Chuyển đổi số - Thống kê Nông nghiệp đã vào Di Linh đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp thích ứng EUDR tại huyện Di Linh. Qua đợt kiểm tra, đoàn đã đánh giá tốt chương trình với phương pháp, nội dung và các công cụ thực hiện phù hợp với yêu cầu. Đoàn đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ khảo sát thông tin vùng sản xuất để bảo đảm hoàn thành trong cuối tháng 12/2024.

Từ kết quả đánh giá trên, Cục Trồng trọt đã quyết định tài liệu hóa phương pháp tổ chức, công cụ thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu tại huyện Di Linh để làm tài liệu hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng cho ngành hàng cà phê trong cả nước. Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm của huyện Di Linh, cuối năm 2024, phần mềm cập nhật đã được Tổ chức IDH bàn giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai trên toàn quốc.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/de-ca-phe-tay-nguyen-phat-trien-ben-vung-bai-2-d3e6662/
Zalo