Năm 2025, Mỹ vẫn là thị trường hứa hẹn của ngành gỗ
Năm 2024, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, vượt mục tiêu 15,2 tỷ USD đề ra. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 8,17 tỷ USD tăng 24,6% (tương đương 1,61 tỷ USD) và chiếm 56% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Đây cũng là động lực lớn, dự báo giữ đà tăng trưởng cho cả năm 2025.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương, tỉnh Bình Dương. (Ảnh VŨ HOÀNG)
Theo đánh giá của MBS Research, trong năm 2024, các yếu tố về suy thoái và lạm phát kéo dài đã khiến sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức thấp. Người tiêu dùng tại các khu vực này có xu hướng cắt giảm chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ.
Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng phải đối mặt những thách thức khi các thị trường xuất khẩu chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ về việc kiểm soát nguồn gốc gỗ bảo đảm hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, nguy cơ gian lận thương mại, xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng kết hợp với cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp khiến sản phẩm gỗ Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện về chống bán phá giá.
Mặc dù vậy, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, cao hơn mục tiêu đề ra nhờ những nỗ lực vượt khó, đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành gỗ đã tham gia hội chợ triển lãm và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt với việc số lượng các doanh nghiệp ngành gỗ có chứng nhận FSC-CoC (Chứng nhận nguồn gốc) tăng lên trong thời gian gần đây đã giúp gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi các quy chuẩn khắt khe tại các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ và EU.
Về chuỗi giá trị ngành gỗ, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài, hiện tại nguyên liệu đầu vào đến từ nguồn cung trong nước đã đáp ứng được 77,4% và còn lại nhập khẩu từ các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường lớn nhất là Mỹ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ do nhu cầu tiêu thụ cải thiện từ giữa năm 2024. Các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao và xác định Việt Nam là nhà cung ứng chính, nhất là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ. Đặc biệt, quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp tháng 9/2024 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, hỗ trợ thị trường bất động sản khi góp phần hạ nhiệt lãi suất vay mua nhà và thúc đẩy sức mua của người dân, gia tăng nhu cầu tân trang nhà ở và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ nội thất tại Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, sẽ tiếp tục là động lực chính duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2025. Giá cước vận chuyển giảm kết hợp với nhu cầu tăng cao dự kiến sẽ giúp cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong năm 2025, FED dự kiến sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất, qua đó lãi suất cho vay mua nhà tại Mỹ sẽ hạ nhiệt, góp phần phục hồi thị trường nhà ở, giúp sản lượng tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ vậy, các nhà xuất khẩu kỳ vọng các chính sách thuế của nhiệm kỳ tổng thống mới về trung và dài hạn sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam giành thêm thị phần từ xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng tại Mỹ.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu sẽ tăng trở lại, nhất là vào nửa cuối năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm gỗ cho thị trường đối ứng, không ngừng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi, tập trung giảm các chi phí, trong đó có chi phí logistics để tạo thế cạnh tranh bền vững. Mặt khác, dưới góc độ quản lý nhà nước các bộ, ngành, chính phủ cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cho các doanh nghiệp...