Năm 2025, lĩnh vực công thương tiếp tục giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế
Chiều 9/1, Sở Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.
Năm 2024, hoạt động của ngành công thương tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, với các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sự nỗ lực của tỉnh, ngành công thương và cộng đồng DN, các chỉ số của ngành vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 19,25%; giá trị gia tăng công nghiệp tăng 20,09% so với cùng kỳ (gấp hơn 2 lần tốc độ tăng năm 2023, năm 2023 tăng 9,8%).
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, toàn tỉnh hiện có 304 DN xuất khẩu đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu đạt 6,29 tỷ USD, bằng 104,9% kế hoạch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 197.671 tỷ đồng, bằng 105,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng rất phong phú, giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm giá, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch, lễ hội. Các chương trình kích cầu, chương trình khuyến mại, các hội chợ được diễn ra thường xuyên tại các địa phương. Thương mại điện tử ngày càng phát triển, tạo động lực cho hoạt động chuyển đổi số của các DN, nâng cao nhận thức và thói quen mua sắm của Nhân dân.
Năm 2024, ngành công thương đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước như công tác kế hoạch, quy hoạch; quản lý công nghiệp và thương mại nội địa; xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý năng lượng; an toàn thực phẩm...
Trong năm có thêm 46 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương và cấp GCN đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký 11,73 nghìn tỷ đồng và 242,2 triệu USD. Hoạt động đầu tư hạ tầng CCN đã được Sở Công Thương tham mưu quyết liệt đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, tiến độ thi công; đã thành lập thêm CCN Minh Tiến (Ngọc Lặc) và CCN Thuần Lộc (Hậu Lộc), đưa tổng số CCN được thành lập (chủ đầu tư là doanh nghiệp) lên 47 CCN.
Ngoài ra, đã có thêm các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại KCN Bỉm Sơn; nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia (Hoằng Hóa); Nhà máy giày tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa); Nhà máy giày Thường Xuân tại xã Xuân Dương (Thường Xuân), Nhà máy sản xuất lốp ô tô radian tại KCN Bỉm Sơn... đóng góp lớn cho giá trị sản xuất tăng thêm của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Cũng trong năm, đã có nhiều dự án hạ tầng lưới điện trọng điểm hoàn thành, sản lượng điện sản xuất đạt hơn 12,9 tỷ kWh.
Trên cơ sở nhận định những thuận lợi, thách thức, khó khăn, năm 2025, ngành công thương đề ra các chỉ tiêu chủ yếu là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%; giá trị gia tăng công nghiệp tăng 18% so với năm 2024; giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 209.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, các DN đã thông tin, chia sẻ về một số khó khăn tác động đến các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể; ghi nhận sự vào cuộc hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và Sở Công Thương trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các DN cũng thảo luận, kiến nghị và đề xuất một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN khôi phục sản xuất, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh và góp phần hoàn thành các mục tiêu của ngành công thương trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chỉ rõ: Năm 2025 tỉnh Thanh Hóa xác định lĩnh vực công thương tiếp tục giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 của ngành công thương có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của toàn ngành.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành công thương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Chủ động theo dõi, phối hợp, tham mưu các giải pháp quản lý, điều hành giá, giữ ổn định thị trường. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - tiêu dùng bền vững...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành công thương tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi các nội dung quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập nhằm xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” đang làm chậm tiến độ, chậm phát triển đối với lĩnh vực công thương. Khẩn trương tiến hành công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của sở và các đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025.