Năm 2025: Cẩn trọng với rủi ro lạm phát

Phát biểu tại Hội thảo 'Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong kỷ nguyên mới' do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định, khi phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%, cần hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo

Điểm lại tình hình năm 2024, bà Hồng Minh cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi rõ nét, ước đạt 7,09%, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,63%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị.

“Quan trọng hơn, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào triển vọng kinh tế trở nên tích cực hơn, thể hiện phần nào qua các con số như vốn FDI thực hiện đạt tới 25,35 tỷ USD, kiều hối ước đạt tới 16 tỷ USD. Những thành tựu kinh tế - xã hội toàn diện trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024 đã khẳng định cách tiếp cận đúng đắn, toàn diện, và linh hoạt của Việt Nam”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Vẫn theo TS Hồng Minh, trong năm 2025, kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với khó khăn, thách thức, bất định; xung đột vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, giá hàng hóa có thể biến động đáng kể do hệ quả của các cú sốc về khí hậu, căng thẳng địa chính trị leo thang; cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các siêu cường gia tăng…

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các công nghệ mới (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo) sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam có thể có một số cơ hội quan trọng.

Thứ nhất, xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành, hoạt động, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, khoa học - công nghệ cao hơn.

Thứ hai, Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng không gian cho tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ.

Thứ ba, Việt Nam có thể có cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải xử lý không ít thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2025; sự phát triển nhanh của các công nghệ mới một mặt mang lại cơ hội, mặt khác cũng đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không sớm có cách tiếp cận hiệu quả.

Đặc biệt, phấn đấu tăng trưởng cao là yêu cầu quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng vào năm 2030 và 2045, song chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát tốt.

Cụ thể là khi đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, Việt Nam cần cảnh giác với các nguy cơ gây lạm phát. Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa rồi cũng đưa ra cảnh báo lạm phát toàn cầu có thể tăng trở lại vào năm 2025 và các quốc gia cần có biện pháp để kiềm chế.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nam-2025-can-trong-voi-rui-ro-lam-phat-post777713.html
Zalo