Năm 2024 Việt Nam đối diện 26 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài
Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2024, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt những bước tiến đáng kể, thể hiện qua việc gia tăng về tổng giá trị xuất khẩu và mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, điển hình là các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặt ra nhiều thách thức cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), năm 2024 ghi nhận dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đối phó với tổng 26 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, năm 2024 là một trong những năm có tổng số vụ việc phòng vệ thương mại nhiều nhất từ trước đến nay, chỉ sau năm 2020 (với 39 vụ), điều này cho thấy xu hướng bảo hộ đang ngày càng gia tăng và dự kiến tiếp tục trong thời gian tới.
Về mức độ phức tạp, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Năm 2024, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ việc chống trợ cấp đối với pin mặt trời và tiếp đó là vỏ viên nhộng từ Việt Nam. Các nước cũng có xu hướng đồng thời điều tra/áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với cùng một sản phẩm.
Về phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, tập trung ở cả các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại nhận định, năm 2024, các nước trên thế giới có xu hướng điều tra kép chống bán phá giá/chống trợ cấp. Đối với Việt Nam ta ghi nhận tổng số 5 vụ việc kép đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc trong năm 2024.
Đến nay, đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).
Năm 2025, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến đổi nên các biện pháp phòng vệ thương mại dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với đó mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên.
Trong bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu kỹ quy định phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt những nước thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại, để có kiến thức nền tảng, không bị bỡ ngỡ khi bị điều tra phòng vệ thương mại; tham dự các buổi hội thảo, tập huấn về quy định phòng vệ thương mại, những thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại của nước ngoài do Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) tổ chức để trang bị thêm kiến thức.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng về thương mại của Bộ Công Thương; trao đổi với đối tác nhập khẩu về tình hình hoặc khả năng phát sinh vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường nhập khẩu đó.
Khi vụ việc đã được khởi xướng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và toàn diện với cơ quan điều tra nước ngoài khi bị điều tra phòng vệ thương mại; đáp ứng đúng các hướng dẫn và thời hạn yêu cầu của cơ quan điều tra. Thường xuyên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để xử lý vụ việc.
Trong dài hạn, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam. Tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế.