Năm 2024, vàng nhẫn tăng dữ dội gần 21 triệu/lượng, gấp đôi mức tăng vàng miếng
2024 là một năm đáng nhớ với cả giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước khi liên tục thiết lập đỉnh mới cao chưa từng có trong lịch sử.
Phiên giao dịch đầu năm 2024, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 71 - 74 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi đó, giá vàng nhẫn giao dịch tương ứng ở mức 61,4 - 63,28 triệu đồng/lượng.
Đến trưa 31/12 - phiên giao dịch cuối cùng của năm - giá vàng miếng được niêm yết ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), vàng nhẫn niêm yết ở mức 83,3 - 84,2 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với đầu năm 2024, giá bán vàng miếng đã tăng khoảng 10,2 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 13,7% và vàng nhẫn tăng 20,92 triệu đồng/lượng, khoảng 33%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, trong năm 2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn liên tục thiết lập những đỉnh mới. Bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá vàng trong nước liên tục tăng nhanh và mạnh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Đến tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng và vàng nhẫn trơn gần 90 triệu đồng/lượng.
Sự tăng quá "nóng" của giá vàng trong nước đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp can thiệp. Theo đó, NHNN đã dừng việc đấu thầu vàng miếng, chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân.
Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC, đã giảm sâu trong tháng 5 và tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, do chịu tác động bởi đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, đến cuối quý III và nửa đầu quý IV, giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại. Mặc dù vậy, trong lần biến động này, giá vàng miếng lại không có sự đột biến, trong khi vàng nhẫn lại bất ngờ "gây sốc" khi lên ngưỡng 88,65- 89,65 triệu đồng/lượng vào ngày 31/10. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của vàng nhẫn.
Không chỉ liên tiếp lập đỉnh, giá vàng nhẫn còn nhiều lần leo lên mức ngang với vàng miếng.
Dù vậy, điểm tích cực là chênh lệch giữa giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm về chỉ còn 3-5 triệu đồng/lượng và duy trì suốt từ tháng 10 đến nay.
Năm 2024 cũng là năm đáng nhớ với cả giá vàng thế giới. Thị trường kim loại quý bắt đầu năm 2024 một cách khá bình lặng, cả tháng 1 và tháng 2 dao động trong biên độ hẹp quanh mức 2.000 USD. Các nhà đầu tư hạn chế đặt cược lớn, trong khi theo dõi sát sao tình hình địa chính trị và đánh giá tác động của các diễn biến kinh tế vĩ mô lên chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Vào cuối tháng 2, vàng bắt đầu tăng tốc và tăng gần 10% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.200 USD. Áp lực bán đối với đồng USD, sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán đã thúc đẩy đà tăng của vàng khi quý I kết thúc.
Đà tăng của vàng tiếp tục trong tháng 4 và vượt mức 2.400 USD trước khi điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng. Tuy nhiên, XAU/USD vẫn kết thúc tháng với mức tăng hơn 2%. Sự tăng lên bất ngờ của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ chậm lại việc xoay trục chính sách. Kết quả là, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 10% trong tháng 4, hạn chế đà tăng của vàng.
Sau giai đoạn củng cố hai tháng trong tháng 5 và tháng 6, vàng đã lấy lại đà tăng trong tháng 7 và bước vào một xu hướng tăng kéo dài 4 tháng. Từ tháng 7 đến tháng 11, vàng đã tăng hơn 15% và chạm mức cao kỷ lục mới gần 2.800 USD vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10.
Năm 2024, vàng được hỗ trợ nhờ nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ châu Á, hoạt động mua gom của các ngân hàng trung ương và đặc biệt là những bất ổn địa chính trị gia tăng.