Năm 2024: Thế giới tăng thêm nhiều ngày nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu

Theo hãng AP, biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm 41 ngày nắng nóng nguy hiểm trên thế giới vào năm 2024.

Theo một nhóm các nhà khoa học, người dân trên khắp thế giới đã phải chịu thêm 41 ngày nắng nóng nguy hiểm trong năm 2024 do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình trạng thời tiết nắng nóng khắc nghiệt trên thế giới trong năm 2024.

Hình ảnh khán giả đội nắng xem một trận thi đấu tại Thế vận hội mùa hè ở Pháp. Ảnh: AP

Hình ảnh khán giả đội nắng xem một trận thi đấu tại Thế vận hội mùa hè ở Pháp. Ảnh: AP

Báo cáo từ các nhà nghiên cứu của World Weather Attribution - tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tổ chức Climate Central có trụ sở ở Mỹ đã thông tin những kỷ lục khí hậu trong năm 2024.

Năm 2024 có khả năng trở thành năm nóng nhất từng được đo lường với một loạt kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu.

Trong cuộc họp báo về những phát hiện của các nhà khoa học, ông Friederike Otto, người đứng đầu World Weather Attribution và là nhà khoa học về khí hậu của Imperial College, cho biết phát hiện thật tàn khốc nhưng hoàn toàn không có gì quá ngạc nhiên. Biến đổi khí hậu đã đóng vai trò chính trong hầu hết các sự kiện mà chúng tôi nghiên cứu. Hạn hán, bão nhiệt đới và mưa lớn xảy ra nhiều hơn và dữ dội hơn trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân. Nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Hàng triệu người đã phải chịu đựng nắng nóng ngột ngạt trong năm nay. Bắc California và Thung lũng Chết bị thiêu đốt trong nắng nóng. Nhiệt độ ban ngày cao hơn cũng được ghi nhận ở Mexico và Trung Mỹ. Nhiệt độ cao đã gây nguy hiểm cho trẻ em vốn dễ bị tổn thương ở Tây Phi. Nhiệt độ tăng cao ở Nam Âu đã khiến Hy Lạp phải đóng cửa thành cổ Athens Acropolis - điểm tham quan thu hút du khách lớn nhất của nước này.

Trong khi đó, ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhiệt độ cao khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Thế giới đã trải qua một số ngày nóng nhất kéo dài từ trước đến nay.

"Những quốc gia nghèo nhất, kém phát triển nhất trên hành tinh là những nơi đang phải chịu nắng nóng khắc nghiệt nhất", Kristina Dahl, phó chủ tịch khoa học khí hậu tại Climate Central cho biết.

Tệ hơn nữa, các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ thường không được báo cáo đầy đủ.

"Không phải tất cả các ca tử vong đều xảy ra vào các đợt nắng nóng. Nhưng nếu chúng ta không truyền đạt rõ ràng rằng số ca tử vong do nắng nóng tăng cao, thì việc nâng cao nhận thức của con người sẽ khó khăn hơn nhiều. Nắng nóng là sự kiện khí hậu cực đoan gây tử vong nhiều nhất", ông Otto cho biết.

Theo các nhà khoa học, trong năm 2024, mức tăng nhiệt độ Trái Đất đang tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, ngưỡng mà gần 200 quốc gia ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt ra nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Trái đất dự kiến sẽ sớm vượt qua ngưỡng đó.

Vai trò sát sao của các nước ứng phó với biến đổi khí hậu

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, trong số 29 sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra năm nay khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng và hơn 3.700 người thiệt mạng, có 26 sự kiện có mối liên hệ rõ ràng với biến đổi khí hậu. Ông Otto cảnh báo, nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Hiện tượng El Ninõ, làm ấm Thái Bình Dương và thay đổi thời tiết trên thế giới, đã gây ra các đợt nắng nóng khắc nghiệt trong năm nay. Hầu hết các nghiên cứu cũng phát hiện biến đổi khí hậu đóng vai trò lớn trong diễn biến thời tiết của năm 2024. Theo các nhà nghiên cứu, nước biển ấm đã gây ra nhiều cơn bão mạnh hơn và tàn phá hơn. Biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, tức là bão có thể đổ nhiều nước hơn vào một chỗ.

Jennifer Francis, một nhà khoa học về khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu khí hậu Woodwell ở Cape Cod, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết các phát hiện khoa học là hợp lý.

"Thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn, tàn phá hơn, tốn kém hơn và gây chết người nhiều hơn, cho đến khi chúng ta có thể giảm nồng độ khí giữ nhiệt trong khí quyển", Jennifer Francis nói.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nhấn mạnh nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan hơn có thể xảy ra vào mùa thu hơn nếu thế giới không có hành động sớm, vì lượng carbon dioxide làm nóng hành tinh đã được thải vào không khí nhiều hơn trong năm 2024 do đốt nhiên liệu hóa thạch so với năm ngoái.

Bà Julie Arrighi, Giám đốc chương trình tại Trung tâm Khí hậu của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, một phần của nghiên cứu, cho biết, tử vong và thiệt hại do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt không phải là điều không thể tránh khỏi.

"Các quốc gia có thể giảm thiểu những tác động đó bằng cách chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước những thách thức mà từng quốc gia hoặc địa điểm phải đối mặt là khác nhau, chúng tôi nhận thấy rằng mỗi quốc gia đều có vai trò riêng trong cách tiếp cận ứng phó với thách thức khí hậu toàn cầu", bà Julie Arrighi cho biết./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nam-2024-the-gioi-tang-them-nhieu-ngay-nang-nong-khac-nghiet-do-bien-doi-khi-hau-20241230160638343.htm
Zalo