Năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 21.956 tỷ đồng
Chiều ngày 23/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Vũ Minh chủ trì Hội nghị tổng kết phát triển sản xuất NN&PTNT năm 2024.
Với sự chủ động triển khai Kế hoạch Tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, xoài, sen, hoa kiểng, cá tra) và Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản góp phần đưa giá trị tăng thêm toàn ngành năm 2024 ước đạt 21.956 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ năm 2023 và tương ứng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 50.772 tỷ đồng, tăng 1.550 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023.
Lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt 30.858 tỷ đồng, bằng 98,5% kế hoạch năm, tăng 2,4% so năm 2023. Theo đó, tỉnh phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất. Diện tích gieo trồng lúa cả năm ước đạt 495.935ha, bằng 100,1% kế hoạch năm 2024 và giá trị sản xuất ước đạt 18.362 tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng kỳ năm 2023 và bằng 116,1% so với kế hoạch năm 2024 (tương ứng vượt 2.542 tỷ đồng). Với thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán khá cao nên lợi nhuận bình quân đạt 27,3 triệu đồng/ha/vụ, tăng 3,6 triệu đồng/ha so cùng kỳ.
Đối với hoa màu, tỉnh khuyến cáo phát triển hoa màu chuyên canh gắn tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch giống cho hiệu quả kinh tế cao và khuyến khích phát triển luân canh trên đất lúa. Theo đó, diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 32.171ha, bằng 91,7% so kế hoạch năm và giá trị sản xuất ước đạt 3.440 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định, lợi nhuận bình quân đạt 63 -109 triệu đồng/ha (riêng cây ớt có lợi nhuận 411 triệu đồng/ha), tăng 28-88 triệu đồng/ha so năm 2023.
Đồng Tháp định hướng phát triển ngành hoa kiểng theo hướng giá trị cao, đa dạng chủng loại theo thị hiếu người tiêu dùng, kết nối sản xuất với thị trường, phát triển du lịch. Theo đó, diện tích gieo trồng đạt 3.186ha, giảm 2,6% so cùng kỳ và bằng 70,4% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng cả năm 2024 đạt 4.170 tỷ đồng, giảm 31,4% so cùng kỳ và bằng 66,2% so với kế hoạch năm.
Thời gian qua, tỉnh phát triển ngành hàng cây ăn trái theo hướng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Năm 2024, diện tích gieo trồng đạt 45.525ha, tăng 4% so cùng kỳ và bằng 97,94% so với kế hoạch năm 2024. Giá trị sản xuất đạt 4.885 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ, tương ứng tăng 287 tỷ đồng và bằng 95,1% kế hoạch năm. Tình hình tiêu thụ ổn định, lợi nhuận ước đạt khoảng 89-224 triệu đồng/ha (sầu riêng cho lợi nhuận đến 751 triệu đồng/ha), tăng 9-77 triệu đồng/ha so năm 2023. Đến nay, đã cấp 684 mã số vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 20.428ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 1.410ha, diện tích được chứng nhận VietGAP 1.023ha.
Thời gian qua, tỉnh cải thiện hiệu quả chăn nuôi nông hộ, tổng đàn được duy trì và phát triển ổn định. Theo đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất bán đạt 57.826 tấn, giá trị đạt 2.778 tỷ đồng, tăng 4,6% so cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định, lợi nhuận sản phẩm chăn nuôi khoảng 1.900-18.800 đồng/kg.
Lĩnh vực thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ phát triển ổn định, chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm OCOP địa phương phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 667.088 tấn, tăng 3,44% so cùng kỳ, bằng 100,69% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 14.070 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 101% kế hoạch năm. Tình hình tiêu thụ ổn định, lợi nhuận bình quân đạt 343-4.313 đồng/kg.
Trong năm, tỉnh thành lập mới được 13/7 hợp tác xã nông nghiệp, đạt 186% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Đến nay, toàn tỉnh có có 206 hợp tác xã nông nghiệp và 863 tổ hợp tác nông nghiệp, 40 trang trại. Toàn tỉnh có 152 hội quán ở 12 huyện, thành phố với tổng số thành viên là 7.501 thành viên. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 581 sản phẩm OCOP (464 sản phẩm 3 sao; 116 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao) của 248 chủ thể, tăng 128 sản phẩm so năm 2023.
Ước đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu có 3 huyện đạt chuẩn NTM và huyện Tháp Mười đạt chuẩn NTM nâng cao. Công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Đến nay, nhiệm vụ thí điểm thực hiện Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho địa phương và có khả năng nhân rộng.
Tại hội nghị các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về giải pháp phát triển các ngành hàng thế mạnh, tiềm năng của tỉnh; tiến độ triển khai hỗ trợ phát triển hạ tầng cho hợp tác xã; tình hình liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị của doanh nghiệp với địa phương; dự báo thị trường nông sản và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thế mạnh; chuyển đổi số ngành nông nghiệp; khó khăn vướng mắc và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê nông nghiệp…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện đánh giá cao những nỗ lực của ngành NN&PTNT trong thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian tới, ông Nguyễn Phước Thiện yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết những khó khăn trong phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh như sen, hoa kiểng… Đồng thời phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị hữu quan, địa phương nghiên cứu, xúc tiến thương mại để xuất khẩu các loại hoa kiểng chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong việc giám sát, xác định sâu bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi; đưa các đề tài khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp; phối hợp với đơn vị hữu quan thực hiện công tác thống kê tăng trưởng ngành nông nghiệp sát với tình hình thực tế. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với giống cây trồng; công tác chuyển đổi cây trồng tại các địa phương; quản lý việc nuôi yến cần đúng quy định…
Trên tinh thần triển khai Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng mục tiêu cốt lõi là giảm giá thành sản xuất, từ đó triển khai nhân rộng các mô hình. Đối với Đề án “Tam nông”, ngành NN&PTNT cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện để sớm đưa vào thực hiện…