Năm 2023, hơn 220 đơn tố cáo của người dân về lĩnh vực y tế

Trong năm 2023, Bộ Y tế đã nhận và xử lý 964 đơn, trong đó có 135 đơn khiếu nại, 221 đơn tố cáo, 608 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân về lĩnh vực liên quan đến y tế.

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 vào sáng nay (9.1), Bộ Y tế cho biết trong năm 2023, ngành y tế đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (đạt 12,5 bác sĩ/10.000 dân; 32 giường bệnh/10.000 dân; 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 vào sáng nay (9.1) - Ảnh: BYT

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 vào sáng nay (9.1) - Ảnh: BYT

Đại dịch COVID 19 được kiểm soát, từ ngày 20.10.2023 điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng. Năm 2023, nước ta không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A như H5N1, H7N9, Mer-CoV, Ebola…

Đối với công tác thanh tra - kiểm tra, Bộ Y tế đã triển khai tổng số 22 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thanh tra, ban hành 5 kết luận thanh tra, 32 quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Y tế đã nhận và xử lý 964 đơn, trong đó có 135 đơn khiếu nại, 221 đơn tố cáo, 608 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân về lĩnh vực liên quan đến y tế.

Đánh giá về công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Toàn ngành y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí đã tạo phong trào thi đua trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.

Ngoài ra, ngành y tế cũng đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người lao động; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận trong năm 2023 vừa qua ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu…

Bà Lan đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong các lĩnh vực của ngành y tế trong năm 2023; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ cho công tác hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành (sửa đổi Luật Dược, Luật BHYT; Nghị định thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu thuộc phạm vi quản lý…); tăng cường nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở y tế trên cả nước.

Bộ đã nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù đào tạo, công việc của công chức, viên chức, người lao động ngành y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương để thực hiện từ ngày 1.7.2024; chủ động dự phòng, kiểm soát tốt dịch bệnh; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng…

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nam-2023-hon-220-don-to-cao-cua-nguoi-dan-ve-linh-vuc-y-te-212909.html
Zalo