Người bệnh được hưởng lợi từ những quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế
Từ ngày 1-1-2025, người được xác định mắc 1 trong 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo theo danh mục của Bộ Y tế sẽ không còn phải vất vả trong việc đi khám, xin giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới lên các bệnh viện tuyến chuyên sâu mà vẫn được hưởng đầy đủ 100% mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, những quy định mới của Luật BHYT sẽ giúp người bệnh và cơ sở y tế khai thông nhiều “khúc mắc” trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.
Người bệnh thở phào
Bà H.M.T. (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) cho biết, cách đây 1 năm, bà có triệu chứng đau tức vùng bụng dưới, mệt mỏi, sờ tay thấy có khối u nên đã đến Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bà T. bị ung thư buồng trứng, cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối u.
“Tôi mua thẻ BHYT có nơi KCB ban đầu là một phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Nếu muốn chuyển lên Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh để mổ, tôi phải đến phòng khám nơi đăng ký ban đầu để khám, xin giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tiếp đó, xin giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tỉnh lên bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Quy trình khá dài, tốn nhiều thời gian, công sức và cả chi phí đăng ký khám bệnh. Quy định mới này giúp tôi mỗi lần lên tuyến trên điều trị không cần phải vất vả đi xin giấy chuyển tuyến nữa” - bà T. tâm sự.
Các cơ sở KCB hiện được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm: cấp ban đầu (trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực); cấp cơ bản (các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh); cấp chuyên sâu (bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện hạng đặc biệt…).
Cũng có chung tâm lý như bà T., bà H.T.B., quê Đồng Nai, ngụ quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ cha bà trước đây từng phẫu thuật tim, sống một mình ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Gần đây, sức khỏe của ông không được tốt nên vợ chồng bà muốn chuyển ông lên bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để tiện theo dõi, chăm sóc, điều trị.
Năm trước, khi chưa có quy định mới của Luật BHYT, gia đình bà B. tốn cả ngày để chở cha đến các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh ở Đồng Nai để xin giấy chuyển viện. Bà B. nói: “Nghe thông tin không cần phải xin giấy chuyển tuyến như trước đây, gia đình tôi mừng lắm vì không phải tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại như trước đây nữa”.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho hay, việc miễn giấy chuyển tuyến đối với 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến không chỉ giúp bệnh nhân được tiếp cận điều trị nhanh chóng mà còn loại bỏ những thủ tục rườm rà, giảm thiểu thời gian và chi phí điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, quy định có ý nghĩa rất lớn đối với những người bệnh cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn hoặc cư trú ở vùng sâu, vùng xa. Quy định này cũng góp phần giảm tải công việc cho các bệnh viện tuyến dưới, giúp họ tập trung hơn vào việc KCB cho bệnh nhân. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện tuyến trên sẽ giảm, cho phép các cơ sở này dồn sức vào việc điều trị các bệnh chuyên sâu, phát triển kỹ thuật mới và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Riêng với 141 bệnh được chuyển tuyến KCB BHYT theo năm, Bộ Y tế đã ban hành danh mục gồm 141 bệnh, tăng 79 bệnh so với danh mục trước đó.
Đặc biệt, theo đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế), trước đây giấy chuyển tuyến của các bệnh có giá trị trong năm dương lịch nhưng nay đã được thay đổi thành có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày ký. Quy định này có lợi cho người bệnh, giảm phiền hà và hạn chế tình trạng vào người bệnh ồ ạt đi xin giấy chuyển tuyến vào những ngày đầu năm.
Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Theo Thông tư số 01/2025/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT (Thông tư 01), người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu, cấp cơ bản khác nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.
Người tham gia BHYT nếu thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày và đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi. Cụ thể những đối tượng gồm: người đi công tác đến tỉnh, thành phố khác; học sinh, sinh viên, học viên học tập tại tỉnh, thành khác trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết tại gia đình hoặc trong thời gian thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác; người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình; người làm việc lưu động tại tỉnh khác; người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, đối tượng người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình…
Bên cạnh đó, người tham gia BHYT được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB BHYT thuộc cấp KCB chuyên sâu gần nơi cư trú, làm việc, học tập và phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở KCB theo thứ tự ưu tiên sau: đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe theo Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 2-12-2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc điều chỉnh bổ sung đối tượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế của Trung ương; đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh; người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người từ đủ 75 tuổi trở lên.
Ngoài ra, còn có đối tượng là học sinh, sinh viên, học viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe; học sinh, sinh viên, học viên đang trong thời gian học tập, thực hành, thực tập tại cơ sở KCB BHYT từ đủ 90 ngày trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi; người công tác trong quân đội, công an khi nghỉ hưu; người mắc bệnh cần được chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế tại một trong các cơ sở KCB có chức năng bảo vệ sức khỏe cán bộ, cơ sở KCB phong, lao và bệnh phổi, tâm thần, lão khoa, y học cổ truyền…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, những quy định mới của Luật BHYT sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở KCB. Đề nghị Sở Y tế các địa phương căn cứ vào Thông tư 01 để phổ biến, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đúng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.