Mỹ - Ukraine ký thỏa thuận bước ngoặt về khoáng sản

Mỹ và Ukraine vừa ký kết một thỏa thuận khoáng sản mang tính bước ngoặt, mở đường cho đầu tư tái thiết, quyền tiếp cận tài nguyên chiến lược và tăng cường quan hệ song phương.

Thỏa thuận được ký kết ngày 30/4 là thành quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa hai bên, với những khúc mắc kéo dài đến sát thời điểm ký kết. Thỏa thuận được xem là bước tiến quan trọng giúp Kyiv hàn gắn mối quan hệ với Nhà Trắng - vốn từng rạn nứt kể từ khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm nay, theo Reuters.

Theo giới quan sát, đây không chỉ là một thỏa thuận kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với cả hai nước trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa có hồi kết.

Văn kiện vừa được ký kết thiết lập một quỹ đầu tư chung giữa Mỹ và Ukraine để hỗ trợ quá trình tái thiết các vùng bị chiến tranh tàn phá.

Đồng thời, Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận các dự án khai thác tài nguyên chiến lược - đặc biệt là đất hiếm, loại khoáng sản được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghệ cao, xe điện và quốc phòng.

 Phái đoàn Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản ngày 30/4. Ảnh: X/@Svyrydenko_Y.

Phái đoàn Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản ngày 30/4. Ảnh: X/@Svyrydenko_Y.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đại diện hai chính phủ đặt bút ký vào văn kiện, trong một buổi lễ được Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ trên nền tảng X, kèm thông điệp: “Thỏa thuận thể hiện cam kết vững chắc của chính quyền Trump đối với một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng”.

Bà Svyrydenko nhấn mạnh rằng Ukraine vẫn hoàn toàn nắm quyền quyết định về việc khai thác khoáng sản, bao gồm vị trí, quy mô và hình thức triển khai.

“Chủ quyền lãnh thổ và quyền sở hữu tài nguyên dưới lòng đất hoàn toàn thuộc về Ukraine”, bà khẳng định.

Quan trọng hơn, thỏa thuận không đi kèm bất kỳ nghĩa vụ vay nợ nào đối với Kyiv, một điểm then chốt trong quá trình thương lượng kéo dài. Văn kiện cũng được bảo đảm tuân thủ hiến pháp Ukraine và không làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu - hai yếu tố bất khả xâm phạm đối với chính phủ Ukraine.

Bên cạnh đó, bà Svyrydenko tiết lộ Mỹ có thể cung cấp thêm hỗ trợ quốc phòng, chẳng hạn như hệ thống phòng không. Tuy nhiên, phía Washington hiện chưa xác nhận khả năng này.

Ukraine được đánh giá là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất hiếm, lĩnh vực mà Trung Quốc đang thống trị toàn cầu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang dưới thời ông Trump, thỏa thuận với Ukraine giúp Mỹ đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu chiến lược, giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Ngoài đất hiếm, Ukraine còn sở hữu các mỏ sắt, uranium và khí đốt tự nhiên quy mô lớn - những nguồn lực có thể đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phục hồi hậu chiến và phát triển kinh tế lâu dài.

Trước lễ ký, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022, và Washington “nên nhận lại điều gì đó”.

Theo Viện Kiel (Đức), Mỹ hiện là nước tài trợ quân sự lớn nhất cho Kyiv với tổng giá trị hỗ trợ vượt 64 tỷ euro (tương đương 72 tỷ USD).

Việc gắn viện trợ với thỏa thuận khoáng sản cho thấy ông Trump đang tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, hướng tới lợi ích kinh tế cụ thể thay vì cam kết thuần túy.

Một bản dự thảo thỏa thuận mà Reuters tiếp cận được trước khi ký kết cũng cho thấy Ukraine đã thành công trong việc loại bỏ điều khoản yêu cầu hoàn trả các khoản viện trợ quân sự trước đây - điều mà Kyiv cương quyết phản đối.

“Quan trọng hơn hết, thỏa thuận này khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng hợp tác với Ukraine trong nhiều thập kỷ tới là một lựa chọn chiến lược đáng tin cậy”, bà Svyrydenko viết trên X.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/my-ukraine-ky-thoa-thuan-buoc-ngoat-ve-khoang-san-post1550249.html
Zalo