Điều gì đang cản bước châu Âu thoát khỏi cái bóng bảo hộ an ninh của Mỹ?
Châu Âu đang đối mặt với áp lực chưa từng có để tăng cường năng lực tự phòng thủ, trong bối cảnh Mỹ đang rút dần vai trò trong khu vực.
Bên trong một nhà chứa máy bay rộng lớn ở Tây Ban Nha, các công nhân miệt mài lắp ráp thân máy bay cho Airbus – gã khổng lồ hàng không của châu Âu chuyên sản xuất tiêm kích phản lực và các thiết bị quân sự khác.
Tập đoàn đa quốc gia này được hậu thuẫn bởi Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Anh, là trường hợp hiếm hoi trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vốn đang bị phân mảnh: nơi tồn tại song song các nhà thầu quốc gia và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp vũ khí cho các chính quyền địa phương.
Chính mô hình chia cắt này đang đe dọa cản trở nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng trên khắp châu Âu. Đây là một xu hướng nổi lên mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Washington có thể rút dần vai trò bảo hộ đối với các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong nhiều năm, ông Trump đã chỉ trích các đồng minh NATO vì chi tiêu quốc phòng ở mức thấp. Gần đây, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương càng trở nên rạn nứt sâu sắc hơn, khi chính quyền Trump phát tín hiệu rằng ưu tiên của Mỹ đã chuyển hướng khỏi châu Âu và Ukraine, đồng thời yêu cầu châu Âu phải "tự đứng vững trên đôi chân của mình".
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia ít đầu tư cho quốc phòng, Năm ngoái, nước này xếp cuối bảng trong khối NATO về tỷ lệ chi tiêu quốc phòng so với GDP, buộc chính phủ phải nỗ lực tăng tốc trong năm nay để đạt được mục tiêu 2% của liên minh - một mức trần mà các lãnh đạo NATO còn dự kiến nâng lên vào mùa hè tới.
Trên khắp lục địa, giới lãnh đạo và các chuyên gia quốc phòng đều chỉ ra những thách thức lớn mà châu Âu phải vượt qua để tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh Mỹ rút dần vai trò khỏi khu vực.
"Châu Âu hiện vẫn mua phần lớn thiết bị quốc phòng từ bên ngoài châu Âu, và đây là điều chúng ta phải thay đổi. Hành trình tiến tới quyền tự chủ hoàn toàn sẽ còn dài, nhưng chúng ta buộc phải bắt đầu”, ông Jean-Brice Dumont, Giám đốc bộ phận hàng không quân sự của Airbus Defense and Space cho biết.
Thoát khỏi cái bóng Mỹ
Sự chuyển biến trong nhận thức đã bắt đầu thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán, nơi các tập đoàn quốc phòng châu Âu như BAE Systems (Anh), Leonardo (Ý), Rheinmetall (Đức), Thales (Pháp) và Saab (Thụy Điển) đều ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp vòng xoáy thuế quan hiện nay.
Các công ty châu Âu hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng đang nỗ lực thúc đẩy giới lãnh đạo EU đầu tư nhiều hơn cho hàng nội địa, thay vì tìm kiếm nguồn cung ngoại khối. Thách thức này rất lớn nhưng nó không đáng sợ bằng việc châu Âu phải một mình đối mặt với những mối đe dọa an ninh tiềm tàng mà không có sự giúp đỡ từ Mỹ.
Một trong những câu hỏi cấp bách nhất là liệu ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể nhanh chóng tăng tốc sản xuất hay không. Một báo cáo của EU mới đây chỉ ra rằng ngành quốc phòng châu Âu hiện không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho các quốc gia thành viên, trong khi phần lớn chi tiêu quốc phòng của họ lại đổ vào Mỹ.
Châu Âu không chỉ phụ thuộc vào Mỹ về trang thiết bị, mà còn về thông tin tình báo và hệ thống giám sát an ninh. Sự phức tạp trong chuỗi cung ứng khiến ngay cả những thiết bị do châu Âu sản xuất cũng thường phải sử dụng phần mềm hoặc linh kiện của Mỹ.
Chiếc máy bay tiếp dầu trên không Airbus A330 MRTT sản xuất gần Madrid là một ví dụ điển hình về các thiết bị quân sự chuyên dụng mà châu Âu còn thiếu. Tương tự, tiêm kích Gripen của Thụy Điển, do Saab chế tạo, cũng sử dụng động cơ do tập đoàn General Electric của Mỹ sản xuất, nhà nghiên cứu Lorenzo Scarazzato tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết.
Theo SIPRI, hơn một nửa số vũ khí mà châu Âu nhập khẩu trong giai đoạn 2020–2024 đều có xuất xứ từ Mỹ.
Ông Scarazzato nhận định, quá trình thay đổi mô hình phụ thuộc này đòi hỏi nhiều năm đầu tư liên tục và một tầm nhìn chung trên toàn bộ lục địa.
"Đó sẽ là cuộc đại tu toàn diện về cấu trúc chỉ huy và kiểm soát”, ông Scarazzato nói.
Nền công nghiệp quốc phòng bị phân mảnh
Một điểm yếu khác là sự phân mảnh công nghiệp. Theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu, hiện có ít nhất 12 mẫu xe tăng được sản xuất ở 27 quốc gia EU, trong khi quân đội Mỹ chỉ sử dụng một loại duy nhất. Sự thiếu đồng bộ như vậy cản trở khả năng phối hợp tác chiến và gây khó khăn cho việc tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Tuy vậy, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Báo cáo “Cân bằng quân sự 2025” của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ghi nhận một số hợp tác mới trong khu vực tư nhân, như liên doanh giữa Leonardo và Rheinmetall để phát triển xe chiến đấu.
Ông Douglas Barrie, chuyên gia hàng không quân sự tại IISS, lưu ý rằng các nước châu Âu từ lâu đã ưu tiên bảo vệ ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, vì lý do kinh tế và lòng tự tôn dân tộc.
“Mỗi lần có nỗ lực chính trị nhằm thúc đẩy hợp tác, chúng ta đều thấy các lực cản từ những lợi ích địa phương. Dù các chính trị gia có thể lên tiếng ủng hộ, động lực thực sự phải đến từ chính các nhà công nghiệp”, ông Barrie nói.
Chẳng hạn, Tây Ban Nha mới đây đã tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10,5 tỷ euro (tương đương 12 tỷ USD) trong năm nay, với 87% số tiền đó cam kết dành cho các công ty trong nước, kỳ vọng tạo ra gần 100.000 việc làm và đóng góp thêm từ 0,4 đến 0,7 điểm phần trăm vào GDP.
Hy vọng cho tương lai?
Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch chi 150 tỷ euro (tương đương 170 tỷ USD) nhằm giúp các nước thành viên và Ukraine mua hệ thống phòng không, máy bay không người lái và các phương tiện vận tải chiến lược, đồng thời củng cố an ninh mạng. Gói hỗ trợ này cũng đi kèm các biện pháp như nới lỏng quy tắc ngân sách cho chi tiêu quốc phòng và tái cơ cấu quỹ EU để ưu tiên an ninh.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, các nước thành viên EU sẽ được yêu cầu mua ít nhất 40% trang thiết bị quốc phòng thông qua các dự án hợp tác chung, đồng thời tăng tỷ lệ giao dịch nội khối lên ít nhất 35%.
"Châu Âu phải đầu tư vào chính ngành công nghiệp quốc phòng của mình, không chỉ cho ngày mai mà cho cả những thập kỷ tới. Và chúng ta đang bắt đầu thấy điều đó trở thành hiện thực”, ông Dumont từ Airbus nhấn mạnh.