Mỹ thừa nhận gửi nhiều vũ khí cho Ukraine trước khi xung đột nổ ra

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận rằng Washington đã cung cấp 'rất nhiều vũ khí' cho Ukraine từ nhiều tháng trước khi cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev nổ ra vào tháng 2/2022.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times công bố ngày 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đã nhận thấy cuộc xung đột Nga – Ukraine “sắp xảy ra” và muốn Kiev “chuẩn bị” sẵn sàng cho kịch bản này.

“Bắt đầu từ tháng 9/2021 và sau đó là tháng 12/2021, chúng tôi đã âm thầm chuyển rất nhiều vũ khí cho Ukraine để đảm bảo rằng họ có thể tự vệ,” ông Blinken nói. Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định những vũ khí mà nước này cung cấp cho Ukraine đã chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn chặn khả năng Nga kiểm soát thủ đô Kiev trong giai đoạn đầu xung đột.

Ông Blinken cũng cho rằng Kiev khó có thể thay đổi cục diện trận chiến và thay đổi tình hình trên thực địa: “Tôi không nghĩ rằng ranh giới được vạch ra trên bản đồ tại thời điểm này sẽ thay đổi nhiều về cơ bản,” ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, một lệnh ngừng bắn lâu dài trong cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ cần bao gồm điều kiện Kiev được cải thiện khả năng răn đe của mình thông qua cách nhận được sự bảo đảm an ninh quốc tế hoặc được trao “lộ trình trở thành thành viên NATO”.

“Mỹ chưa thấy cơ hội để hợp tác với Nga theo cách có thể chấm dứt cuộc chiến một cách công bằng và lâu dài,” ông Blinken tuyên bố.

Bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Moscow đã nhiều lần phản ánh các hành động của Mỹ và NATO trong nhiều năm qua. Trong đó, Mỹ và Anh đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, NATO tổ chức các cuộc tập trận liên tục ở Biển Đen, hay các máy bay quân sự của các nước phương Tây tiếp cận nguy hiểm với máy bay dân sự trong không phận Nga.

“Đó là lý do tại sao một trong những mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt là phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 180 tỷ USD viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine. Trong số đó, khoảng 131,36 tỷ USD đã được chuyển cho các hoạt động liên quan đến an ninh; bao gồm 45,6 tỷ USD dành cho việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu và gần 46 tỷ USD để thay thế vũ khí được cung cấp cho Ukraine.

Trong tuyên bố ngày 30/12/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo gói viện trợ an ninh gần 2,5 tỷ USD cho Ukraine. Trong đó, 1,25 tỷ USD trong số này được triển khai theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA) và 1,22 tỷ USD còn lại thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày thông báo giải ngân 3,4 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Ukraine, nhằm duy trì hoạt động của chính phủ Kiev, trả lương cho viên chức.

Theo Al Jazeera, ước tính Nhà Trắng có thể còn tới 3,5 tỷ USD trong PDA và 2,2 tỷ USD khác trong USAI mà họ có thể chuyển tới Kiev trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden kết thúc. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích các gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, làm dấy lên lo ngại khả năng Washington sẽ cắt giảm viện trợ.

Giới chức Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng viên trợ quân sự của Mỹ và phương Tây không thể ngăn cản lực lượng của họ hoàn thành mục tiêu chiến dịch quân sự, hay thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột. Nga tuyên bố việc phương Tây hỗ trợ Ukraine sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài và khiến các bên này đối đầu trực tiếp với Moscow.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-thua-nhan-gui-nhieu-vu-khi-cho-ukraine-truoc-khi-xung-dot-no-ra-37229.html
Zalo