Mỹ tăng viện trợ và kêu gọi duy trì phái bộ an ninh tại Haiti
Ngày 5/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo khoản viện trợ nhân đạo trị giá 45 triệu USD cho Haiti, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp thêm tài trợ cho phái bộ an ninh tại đây.
Thông tin trên được công bố trong khuôn khổ chuyến thăm hiếm hoi của ông Blinken tới Haiti.
Nhiệm vụ của Phái đoàn Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia (MMAS) được Liên hợp quốc thông qua với thời gian 12 tháng, dự kiến hết hạn vào tháng 10 tới, nhưng đến nay chưa đạt được nhiều kết quả do thiếu nhân sự và kinh phí.
Tại buổi họp báo ở Port-au-Prince, ông Blinken nhấn mạnh: "Vào thời điểm quan trọng này, chúng ta cần thêm kinh phí và nhân lực để duy trì và thực hiện các mục tiêu của phái bộ này". Ngoại trưởng Blinken nói rằng Mỹ có kế hoạch triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 9 này nhằm kêu gọi các nước đóng góp thêm tài chính và gia hạn hoạt động của MMAS. Chính quyền Mỹ cũng đang tìm biện pháp khác "bền vững và đáng tin cậy hơn", trong đó có khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở Haiti.
Hiện có khoảng 400 cảnh sát Kenya đang ở Haiti, nhưng nhiệm vụ này cũng đòi hỏi sự tham gia của cảnh sát và binh sĩ từ Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin, Chad và Jamaica để có tổng cộng hơn 2.500 nhân sự. Họ sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, với chi phí khoảng 600 triệu USD/năm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, LHQ chỉ nhận được 63 triệu USD trong tổng số 85 triệu USD được cam kết cho nhiệm vụ này.
Ông Blinken cũng kêu gọi chính quyền Haiti ổn định tình hình để hướng tới các cuộc bầu cử năm 2025. Lần gần nhất Haiti tổ chức bầu cử là vào năm 2016 và Tổng thống đắc cử gần đây nhất Jovenel Moise đã bị ám sát năm 2021. Trong khuôn khổ chuyến thăm Haiti, Ngoại trưởng Mỹ gặp Thủ tướng nước chủ nhà Garry Conille và Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Chuyển tiếp Edgard Leblanc Fils.
Theo một báo cáo của LHQ, hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng ở Haiti trong 3 tháng đầu năm nay do các vụ bạo lực liên quan các nhóm vũ trang. Bạo lực cũng là nguyên nhân chính khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa ở Haiti. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có hơn 360.000 người vô gia cư ở Haiti. Chỉ riêng trong tháng 3, hơn 53.000 người đã rời thủ đô Port-au-Prince do các cuộc tấn công gia tăng. Ngày 4/9 vừa qua, các thành viên của Hội đồng Chuyển tiếp Tổng thống đã ký một sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên phần còn lại của đất nước. Động thái này được cho là nhằm nâng cao hiệu quả của lực lượng cảnh sát quốc gia và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan an ninh.