Mỹ tăng thuế nhập khẩu pin mặt trời từ 4 nước Đông Nam Á

Mỹ đã quyết định mức thuế nhập khẩu mới đối với các nhà sản xuất pin mặt trời Đông Nam Á. Điều này dự kiến làm tăng chi phí của người tiêu dùng và giảm lợi nhuận của nhà sản xuất.

 Các tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty Jinko Solar (Trung Quốc) sản xuất ở nhà máy Việt Nam. Ảnh: Redsunland.

Các tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty Jinko Solar (Trung Quốc) sản xuất ở nhà máy Việt Nam. Ảnh: Redsunland.

Theo Reuters, thuế suất mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/11 vừa qua sẽ mở rộng chính sách chống bán phá giá, từ các mô-đun hoàn chỉnh trước đây sang cả các linh kiện năng lượng mặt trời. Đây là động thái tiếp theo trong nỗ lực siết chặt thị trường pin năng lượng mặt trời của Mỹ trước các nhà sản xuất lớn từ Trung Quốc và Đông Nam Á.

Bộ Thương mại Mỹ đã tính toán mức thuế chống bán phá giá là 271,28% đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam; 125,37% với hàng từ Campuchia; 77,85% cho hàng từ Thái Lan và 21,31% với hàng sản xuất tại Malaysia. Các nhà sản xuất lớn sẽ có mức thuế riêng dựa trên quy mô và sản phẩm cụ thể.

Năm 2023, 80% lượng pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ - đạt trị giá kỷ lục 15 tỷ USD - đều đến từ 4 nước Đông Nam Á này.

Dù Mỹ chỉ chiếm 4-10% tổng khối lượng xuất khẩu của các nhà sản xuất Trung Quốc, thị trường này vẫn đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp. Quyết định cuối cùng về mức thuế mới sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 18/4 năm sau, có thể kèm theo một số điều chỉnh.

Pierre Lau, nhà phân tích tại Citi, nhận định rằng mức thuế mới phần lớn phù hợp với kỳ vọng. Về lâu dài, chính sách này sẽ thúc đẩy sản xuất nội địa tại Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc cho rằng tác động trước mắt không quá lớn, bởi chi phí tăng thêm có thể được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ vốn đang thiếu các lựa chọn thay thế.

Quyết định này là bước đi thứ 2 trong một vụ kiện thương mại do một nhóm công ty, bao gồm Hanwha Qcells của Hàn Quốc và First Solar của Mỹ, đưa ra, cáo buộc các công ty Trung Quốc bán phá giá các linh kiện năng lượng mặt trời tại Mỹ.

Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Đông Nam Á có thể phải tìm cách xoay xở.

Theo Yana Hryshko, Trưởng nhóm nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời tại Wood Mackenzie, các nhà sản xuất có thể chuyển hướng nguồn cung linh kiện năng lượng từ Lào và Indonesia, 2 quốc gia chưa bị áp thuế, hoặc chịu giảm lợi nhuận để giữ vững vị thế trên thị trường Mỹ.

“Chi phí sản xuất thực tế tại Đông Nam Á không quá cao so với giá bán tại Mỹ”, bà Yana cho biết.

Thực tế, các nhà máy sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời do Trung Quốc sở hữu hiện đã xuất hiện tại Indonesia và Lào nhằm tận dụng các chính sách thương mại hiện hành. Dù vậy, các chuyên gia ngành công nghiệp cảnh báo rằng nếu khối lượng xuất khẩu tăng cao, 2 quốc gia Đông Nam Á này cũng có thể bị đưa vào danh sách chịu thuế.

Bà Hryshko cũng cho biết thêm nếu Indonesia bị áp thuế, năng lực sản xuất mới có thể được chuyển hướng vào thị trường nội địa đang phát triển, nhờ các yêu cầu về nội địa hóa.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/my-tang-thue-nhap-khau-pin-mat-troi-tu-4-nuoc-dong-nam-a-post1515431.html
Zalo