Mỹ sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân cũ kỹ mà không cần tăng quy mô.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright. Ảnh: AP.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Chris Wright mô tả kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đang trở nên “cũ kỹ” và “lỗi thời”. Ông nhấn mạnh cần phải “hiện đại hóa”, tuyên bố không có nỗ lực nào được thực hiện hướng tới mục tiêu đó trong 3thập kỷ qua.
Chris Wright nhấn mạnh hiện đại hóa không có nghĩa là tăng số lượng đầu đạn hạt nhân. “Chúng ta không cần phải tăng kho vũ khí hạt nhân của mình”, ông nói, mà là “đảm bảo mọi thứ đều ở trạng thái tốt nhất”.
Vị quan chức Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng đầu đạn cần tân trang hoặc thời hạn thực hiện nỗ lực này.
Chris Wright nói thêm: “Điều tuyệt vời nhất về vũ khí hạt nhân là không sử dụng chúng... Và để không sử dụng chúng, thế giới phải tin tưởng 100% rằng Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí, độ tin cậy và khả năng đánh giá kho vũ khí của chúng ta”.
Ông tuyên bố Dự án Manhattan dẫn đến việc tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên và vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến II đã cung cấp cho Mỹ khả năng hạt nhân để “chiến thắng”. Ông cũng dự đoán rằng Mỹ sẽ ở “vị thế tốt hơn nhiều trong vài năm nữa..., với một tổng thống tập trung vào điều này”.
Bất chấp lời cam kết hiện đại hóa hạt nhân, đầu tháng này Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi giải trừ vũ khí toàn cầu, nói rằng “sẽ thật tuyệt nếu mọi người đều loại bỏ vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong khi Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân, thì “không thể bỏ qua kho vũ khí hạt nhân của châu Âu”.
Mỹ có hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân, với khoảng 1.770 đầu đạn được triển khai. Nga nắm giữ khoảng 5.880 đầu đạn, trong đó khoảng 1.700 đầu đạn được triển khai. Anh có khoảng 225 đầu đạn và Pháp có 290 đầu đạn. Số lượng chính xác đầu đạn của Trung Quốc không được biết đến, nhưng ước tính vào khoảng 600.
Nga và Mỹ là những bên ký kết hiệp ước New START năm 2010, trong đó giới hạn mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Moscow đã đình chỉ việc tham gia thỏa thuận này vào năm 2023, với lý do chế độ thanh tra đối với các cơ sở chiến lược là vô lý do phương Tây can dự sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine.