Mỹ sẽ dùng vũ lực để có được Greenland

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ ý định mua lại Greenland từ Đan Mạch, thậm chí tuyên bố không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để kiểm soát hòn đảo này.

Chuyến thăm gây tranh cãi

Ngày 28/3, một phái đoàn Mỹ do Phó Tổng thống JD Vance dẫn đầu đã có chuyến thăm đến đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, bất chấp sự phản đối của chính quyền và người dân địa phương.

Chuyến thăm đã gây căng thẳng ngoại giao giữa chính quyền Copenhagen và Nhà Trắng trong bối cảnh thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ ý định mua lại Greenland từ Đan Mạch, thậm chí còn tuyên bố không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để kiểm soát hòn đảo.

Theo ông Trump, Mỹ cần Greenland không chỉ vì an ninh nước Mỹ mà còn vì an ninh quốc tế. Trong bối cảnh ấy, dù chuyến thăm này chỉ mang tính chất cá nhân, không phải là hoạt động ngoại giao chính thức, nhưng vẫn cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từ bỏ tham vọng thâu tóm hòn đảo xa xôi, nhưng có tầm quan trọng chiến lược ở Bắc Cực này.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cùng Đệ nhị phu nhân Usha Vance, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz, Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright và Thượng nghị sĩ Mike Lee của Utah đã đến thăm Căn cứ vũ trụ Pituffik ở Tây Bắc Greenland, cơ sở quân sự cực Bắc của Mỹ, để gặp gỡ các quân nhân và kiểm tra tình hình an ninh trên đảo. Phát biểu tại đây, ông Vance cho rằng Đan Mạch còn thiếu đầu tư và chưa làm tốt công việc với Greenland.

Thông điệp mà chúng tôi gửi tới Đan Mạch rất đơn giản: Các vị chưa làm tốt công việc của mình đối với người dân Greenland. Các vị chưa đầu tư đủ cho người dân Greenland, cũng như cấu trúc an ninh của vùng đất rộng lớn và tuyệt đẹp này.

Phó Tổng thống JD Vance.

Khi được hỏi về khả năng Mỹ sử dụng vũ lực để sáp nhập hòn đảo, ông nhấn mạnh Washington không cho rằng đó là điều cần thiết.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen sau đó lên tiếng phản đối, cho rằng phát biểu của ông Vance là không chính xác, khẳng định Copenhagen từng sát cánh cùng Mỹ trong những tình huống khó khăn khi triển khai lực lượng trong liên quân do Washington dẫn đầu tại Iraq và Afghanistan. Thủ tướng Frederiksen cũng nhấn mạnh rằng Đan Mạch luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ về vấn đề an ninh ở Bắc Cực.

Bà Frederiksen trước đó coi chuyến thăm của phái đoàn Mỹ là hành động “gây áp lực không thể chấp nhận được” đối với vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch và khẳng định “sẽ phản kháng”.

Đây rõ ràng không phải là chuyến thăm về những gì Greenland cần hoặc những gì Greenland muốn. Do đó, tôi phải nói rằng đây là một áp lực không thể chấp nhận được đang được đặt lên cả Greenland và Đan Mạch và chúng tôi sẽ chống lại áp lực ấy.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.

Thủ hiến Greenland Mute B. Egede coi chuyến thăm là “nỗ lực can thiệp của nước ngoài”, lưu ý rằng chính quyền sắp mãn nhiệm của hòn đảo không gửi bất kỳ lời mời nào dù riêng tư hay chính thức tới phái đoàn Mỹ.

Trở thành vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch kể từ năm 1979, đảo Greenland hiện có chính quyền riêng nhưng chính phủ Đan Mạch vẫn giữ quyền kiểm soát các vấn đề đối ngoại và quốc phòng. Greenland cũng phụ thuộc hỗ trợ kinh tế từ Đan Mạch, với 50% lượng hàng xuất khẩu và 60% hàng nhập khẩu của vùng lãnh thổ này là đến và từ Đan Mạch. Một nửa dân số Greenland làm việc trong khu vực công và phần lớn nhận trợ cấp từ Copenhagen.

Theo kế hoạch ban đầu, Đệ nhị phu nhân Usha Vance sẽ dẫn đầu phái đoàn đi tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu về di sản của Greenland và tham dự một cuộc đua xe trượt tuyết do chó kéo. Trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright sẽ đi thăm căn cứ quân sự ở Greenland. Việc Washington định cử cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng năng lượng tham gia phái đoàn đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh và kinh tế ở Greenland, một hòn đảo giàu khoáng sản và có vị trí chiến lược trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Bắc Cực. Tuy nhiên, trước sự phản ứng gay gắt từ Đan Mạch, phía Mỹ đã điều chỉnh kế hoạch. Theo đó, phái đoàn do Phó Tổng thống JD Vance dẫn đầu và chỉ đến thăm Căn cứ vũ trụ Pituffik.

Sức hút của Greenland

Thời gian qua, Phó Tổng thống J.D Vance đã trở thành người đại diện nổi bật của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách đối ngoại. Mặc dù phía Mỹ đã điều chỉnh kế hoạch chuyến thăm Greenland trước áp lực của chính quyền Đan Mạch và Greeland, nhưng sự kiện này vẫn đánh dấu một bước tiến mới trong chiến lược Bắc Cực của chính quyền Trump. Trong phát biểu mới nhất hôm 26/3, ông Trump một lần nữa khẳng định Mỹ cần Greenland vì an toàn và an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định Washington phải có được hòn đảo.

Theo giới quan sát, quan điểm này xuất phát từ tham vọng mở rộng lãnh thổ của Mỹ. Trong hơn 150 năm qua, Mỹ từng nhiều lần quan tâm đến Greenland và đã có lần chính thức gửi đề nghị mua lại hòn đảo với giá giá 100 triệu USD. Câu hỏi được đặt ra là điều gì đã khiến các nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt quan tâm tới Greenland như vậy?

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, có trên 56.000 người sinh sống. Từng là một thuộc địa của Đan Mạch và hiện là lãnh thổ tự trị của quốc gia này. Greenland có vị trí địa lý đặc biệt, khi nằm giữa Mỹ và châu Âu. Thủ phủ Nuuk của Greenland nằm gần New York của Mỹ hơn là Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.

Ông Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên đề xuất ý tưởng mua Greenland. Năm 1867, Tổng thống Andrew Johnson khi mua Alaska cũng đã cân nhắc mua cả Greenland. Cuối Thế chiến II, chính quyền của Tổng thống Harry Truman đã đề nghị trả Đan Mạch 100 triệu USD để sở hữu hòn đảo này.

Cả hai đề nghị đều không thành hiện thực, nhưng theo một hiệp ước quốc phòng năm 1951, Mỹ đã thiết lập một căn cứ không quân, hiện được gọi là Căn cứ không gian Pituffik, tại phía Tây Bắc Greenland.

Căn cứ này là một trong những địa điểm quân sự quan trọng nhất về mặt chiến lược trên thế giới, khi cấp cho quân đội Mỹ sự hiện diện quan trọng ở Bắc Cực, là tiền đồn nằm xa nhất về phía Bắc của lực lượng vũ trang Mỹ. Từ thời Chiến tranh Lạnh, đây đã là nơi đặt các máy bay ném bom tầm xa có khả năng tiếp cận Liên Xô và chứa các hệ thống radar khổng lồ để phát hiện tên lửa bay qua Bắc Cực.

Ngày nay, có khoảng 150 binh sĩ thuộc lực lượng không quân và không gian Mỹ đang thường trú tại Pituffik. Với hệ thống Radar cảnh báo sớm nâng cấp, căn cứ này vẫn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động phòng thủ tên lửa và giám sát không gian của Mỹ. Theo giới quan sát, Greenland từ lâu đã được coi là “chìa khóa” cho an ninh của Mỹ, đặc biệt là để đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

Có hai lý do chính khiến Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến Greenland. Đó là về tài nguyên thiên nhiên và về vị trí địa chiến lược của Greenland, chính xác là ở giữa Bắc Cực, ở giữa Bắc Mỹ và Nga. Vì vậy, khoảng cách ngắn nhất cho vũ khí hạt nhân, tên lửa hạt nhân từ Nga đến Bắc Mỹ sẽ đi qua Bắc Cực và qua Greenland và do đó Căn cứ không gian Pituffik có vị trí rất, rất quan trọng.

Ông Marc Jacobsen - Trường Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch.

Không chỉ có vị trí địa chính trị quan trọng, là hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland còn sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào với các loại khoáng sản, dầu thô và khí đốt, cũng như các kim loại đất hiếm vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất ô tô điện và tua-bin gió trong quá trình chuyển đổi xanh, cũng như để sản xuất thiết bị quân sự. Một cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy 25 trong số 34 khoáng sản được Ủy ban châu Âu coi là “khoáng sản thô rất quan trọng” được phát hiện ở Greenland.

Đáng chú ý, hầu hết nguồn tài nguyên của Greenland vẫn chưa được khai thác, bởi 80% diện tích hòn đảo bị băng bao phủ, nhưng biến đổi khí hậu khiến băng tan đang mở ra nhiều cơ hội kinh tế. Băng tan đã mở ra nhiều tuyến đường vận chuyển, tăng thời lượng di chuyển trong mùa hè ở Bắc bán cầu, cũng như có thể giúp tiếp cận tài nguyên thiên nhiên dễ dàng hơn.

Greenland: Quân cờ chiến lược trong cạnh tranh địa chính trị

Những tuyên bố đầy táo bạo của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc mua lại Greenland đã làm dấy lên cuộc tranh luận về tương lai của hòn đảo này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn của Greenland nói riêng và Bắc Cực nói chung trên bàn cờ địa chính trị. Với nguồn tài nguyên rất lớn và vị trí địa - chiến lược quan trọng, thời gian qua Bắc Cực đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc trong và ngoài khu vực, đặc biệt trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Từng là một trong những vùng biệt lập nhất trên thế giới, giờ đây Greenland đã trở thành điểm nóng địa chính trị, thu hút sự quan tâm lớn từ các cường quốc toàn cầu. Theo nhà nghiên cứu Hashim Kamal, thuộc Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc phòng Islamabad, Pakistan, nhờ giá trị chiến lược về an ninh lẫn tài nguyên, Greenland đang trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc.

Đối với Trung Quốc, Greenland giữ vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) cũng như chiến lược mở rộng sức ảnh hưởng của quốc gia tỷ dân tại cực Bắc. Dù không phải là quốc gia thuộc vùng Bắc Cực, nhưng Trung Quốc vẫn thể hiện rõ ý định xây dựng Con đường tơ lụa vùng Cực - tuyến thương mại bổ sung song hành cùng các dự án hạ tầng thuộc BRI tại Greenland. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm khai thác các tuyến vận tải biển tiết kiệm chi phí giữa châu Âu và châu Á qua Bắc Băng Dương.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến việc tiếp cận ngành khai khoáng của Greenland, bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây đóng vai trò quan trọng, có thể phục vụ cho các ngành công nghệ tiên tiến của quốc gia tỷ dân, đồng thời phục vụ kế hoạch xây dựng cơ sở nghiên cứu và trạm vệ tinh trên hòn đảo này.

Đối với Mỹ, Greenland không chỉ có vị trí chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ khu vực, mà Washington còn xem Greenland là phương án thay thế cho vị thế gần như độc quyền của Bắc Kinh đối với các khoáng sản đất hiếm. Trong bối cảnh Trung Quốc, Nga tăng cường hoạt động tại khu vực, Greenland là một phần không thể tách rời trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và là ưu tiên hàng đầu về an ninh quốc gia.

Chúng ta cần Greenland cho an ninh quốc gia và an ninh quốc tế. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ đi xa nhất có thể. Nếu bạn nhìn vào các tàu bên ngoài Greenland, Trung Quốc, Nga, những nơi mà chúng ta phải có mặt ở đó. Nếu chúng ta không có ở đó, chúng ta không thể có an ninh quốc gia hoặc quốc tế. Vì vậy, tôi xem xét vấn đề này theo quan điểm an ninh. Chúng ta phải có mặt ở đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nga cũng đang mở rộng ảnh hưởng tại Bắc Cực. Moscow không chỉ gia tăng hiện diện tại khu vực này mà còn phát triển các dự án năng lượng lớn, tạo thế đối trọng với Mỹ.

Ngày 27/3, phát biểu tại cuộc họp về sự phát triển của khu vực Bắc Cực, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow phải thực hiện những nhiệm vụ quy mô lớn ở Bắc Cực và sẽ cần phải tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, bảo vệ hệ sinh thái mong manh và đảm bảo điều kiện sống thoải mái ở đây.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho hay, các cuộc cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng ở Bắc Cực nhưng hợp tác trong khu vực là có thể, bao gồm giữa Moscow và các quốc gia phương Tây. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực này.

Rõ ràng là vai trò và tầm quan trọng của Bắc Cực đối với cả Nga và toàn thế giới đang ngày càng tăng, nhưng thật không may, sự cạnh tranh địa chính trị và cuộc đấu tranh giành vị thế trong khu vực này cũng đang gia tăng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đề cập đến ý định của Washington đối với Greenland, ông Putin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự “nghiêm túc” trong ý định mua lại Greenland, động thái này không liên quan gì đến Nga nhưng rõ ràng là Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi ích của họ ở Bắc Cực.

Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu một ngày nào đó Mỹ có thể sở hữu Greenland hay không? Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 85% người dân Greenland không muốn vùng lãnh thổ này trở thành một phần của Mỹ. Cả giới chức Đan Mạch và Greenland đến nay đều khẳng định hòn đảo này “không phải để bán”.

Tham vọng sáp nhập Greenland của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, theo giới quan sát, Mỹ được cho là vẫn có cơ hội gia tăng ảnh hưởng tại đây nếu Washington có các biện pháp mềm dẻo hơn. Một số đánh giá cho rằng, thay vì tiếp tục theo đuổi chiến lược “mua lại” hòn đảo, Washington có thể tìm cách tăng cường đầu tư vào Greenland, hỗ trợ phát triển kinh tế và hợp tác an ninh. Một số chính trị gia Mỹ đã đề xuất thúc đẩy các dự án hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, nghiên cứu môi trường và phát triển cơ sở hạ tầng tại Greenland.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/my-khong-loai-tru-dung-vu-luc-de-co-duoc-greenland-318405.htm
Zalo