Mỹ rút quân khỏi Syria: Khép lại một chương, mở ra rủi ro mới?
Lực lượng Mỹ giảm bớt hiện diện quân sự ở Syria trong bối cảnh khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã tìm được sức mạnh mới ở quốc gia này.

Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch rút hoàn toàn binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Ảnh minh họa: Getty Images
Theo tờ New York Times, Mỹ đã bắt đầu rút hàng trăm quân khỏi vùng đông bắc Syria, phản ánh sự thay đổi môi trường an ninh ở quốc gia này kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12, nhưng cũng là một động thái tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mỹ rút quân theo lộ trình
Quân đội Mỹ đang đóng cửa 3 trong số 8 căn cứ hoạt động nhỏ ở vùng đông bắc đất nước, giảm quân số từ 2.000 xuống còn khoảng 1.400 - theo hai quan chức cấp cao của Mỹ xin giấu tên. Các căn cứ này bao gồm Căn cứ hỗ trợ nhiệm vụ Green Village, M.S.S. Euphrates và một cơ sở thứ ba nhỏ hơn.
Các quan chức trên cho biết sau 60 ngày, các chỉ huy Mỹ sẽ đánh giá xem có nên cắt giảm thêm hay không. Một trong những quan chức cho biết các chỉ huy đã khuyến nghị giữ lại ít nhất 500 quân Mỹ ở Syria.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về việc duy trì bất kỳ lực lượng Mỹ nào ở nước này. Ít nhất là cho đến nay, các đợt cắt giảm - bắt đầu từ ngày 17/4 - đều dựa trên các khuyến nghị của các chỉ huy lục quân về việc đóng cửa, củng cố các căn cứ, và đã được Lầu Năm Góc cũng như Bộ Tư lệnh Trung ương chấp thuận.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng ở Syria, đặc biệt là ở vùng đông bắc nơi quân đội Mỹ tập trung. Nhưng sự sụp đổ của chế độ cựu Tổng thống Assad đã làm giảm đáng kể, ít nhất là cho đến hiện tại, một loạt các mối đe dọa khác.
Hợp nhất lực lượng người Kurd vào Nhà nước Syria
Một bước ngoặt lớn khác diễn ra vào tháng trước khi lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo kiểm soát vùng đông bắc Syria đồng ý sáp nhập với chính phủ mới - một bước đột phá trong nỗ lực thống nhất một đất nước vẫn đang vật lộn với tình trạng hỗn loạn bạo lực.
Thỏa thuận kêu gọi Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn, hay SDF, sẽ hợp nhất "tất cả các thể chế dân sự và quân sự" vào nhà nước Syria mới vào cuối năm nay, bao gồm cả các mỏ dầu và khí đốt quý giá của nước này.
Kể từ khi liên minh đối lập do ông Ahmed al-Shara đứng đầu lên nắm quyền vào tháng 12/2024, chính phủ mới đã tìm cách thống nhất mạng lưới phức tạp của các nhóm phiến quân hoạt động trên khắp Syria - trong đó mạnh nhất là các lực lượng do người Kurd lãnh đạo ở vùng đông bắc. Tuy nhiên, tình hình an ninh vẫn không ổn định và lực lượng dân quân người Kurd là một trong những nhóm thách thức nhất mà chính phủ phải đưa vào khuôn khổ của mình.
Trong nhiều năm, lực lượng dân quân người Kurd là đối tác chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Lực lượng này đã giành được những thắng lợi khó khăn về lãnh thổ trong cuộc nội chiến của đất nước, và hiện tại họ đang quản lý một nhà nước trên thực tế ở vùng đông bắc.
IS âm thầm trỗi dậy
Có khoảng 9.000 - 10.000 chiến binh Nhà nước Hồi giáo và khoảng 35.000 thành viên gia đình của họ đang bị giam giữ ở đông bắc Syria. Các chuyên viên tình báo Mỹ, khi trình bày đánh giá mối đe dọa toàn cầu hàng năm vào tháng trước tại Quốc hội, đã kết luận rằng IS sẽ cố gắng lợi dụng sự kết thúc của chính quyền Assad để giải thoát tù nhân và khôi phục khả năng thực hiện các cuộc tấn công của mình.
Vào cuối năm ngoái, Mỹ tuyên bố rằng quân đội của họ đã tăng gấp đôi số lượng bộ binh ở Syria, lên 2.000 người, để giúp đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ IS. Theo một viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nhóm này đã tuyên bố thực hiện 294 vụ tấn công vào năm 2024, tăng so với 121 vụ mà nhóm này tuyên bố vào năm 2023.
Ngay sau khi ông Assad bị lật đổ, Mỹ đã tăng mạnh các cuộc không kích vào các cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo ở sa mạc Syria, dập tắt tình trạng phiến quân trỗi dậy, thu hút các chiến binh và gia tăng tấn công.
Một thủ lĩnh cấp cao IS - được cho là nhân vật lãnh đạo nhóm này ở Iraq và Syria - đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ vào tháng 3 tại tỉnh Anbar, Iraq.
Nhưng những dấu hiệu đáng lo ngại gần đây đã xuất hiện. Theo Charles Lister, một thành viên cấp cao và là người đứng đầu Sáng kiến Syria tại Viện Trung Đông ở Washington, IS đã thực hiện hai cuộc tấn công ở Syria vào tháng 1 năm nay, 9 cuộc vào tháng 2 và 19 cuộc vào tháng 3. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 4 này, IS cũng đã thực hiện ít nhất 14 cuộc tấn công.
"Không có thế lực nào quyết tâm thúc đẩy sự bất ổn ở Syria hậu Assad hơn IS", ông Lister viết trong tuần này, kêu gọi Mỹ ủng hộ chính phủ Syria mới. "Nếu Syria thành công, IS và tất cả các thế lực xấu khác sẽ phải chịu những đòn chí mạng".
Washington hy vọng chính phủ Syria mới sẽ trở thành đối tác chống lực lượng IS đang trỗi dậy. Các dấu hiệu ban đầu là tích cực, với việc Damas cus hành động dựa trên thông tin tình báo do Mỹ cung cấp để phá vỡ 8 âm mưu của IS ở Damascus.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ có thể sẽ cắt giảm quân số sâu hơn sẽ đe dọa đến sự ổn định của quá trình đó.
Chính quyền Trump dự kiến sẽ tiến hành đánh giá rộng rãi về chính sách Syria của mình và một số quan chức cho biết lực lượng Mỹ có thể bị cắt giảm hơn một nửa hoặc rút hoàn toàn.
Ngoài ra, việc nhiều vị trí chính sách quan trọng ở Trung Đông vẫn chưa được lấp đầy trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cũng như tại Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc, cũng sẽ làm chậm bất kỳ đợt đánh giá chính sách toàn diện nào về Syria.