Mỹ phẩm kém chất lượng gây nguy hiểm cho người tiêu dùng: Cần được ngăn chặn bằng chế tài mạnh

Việc liên tiếp phát hiện và thu hồi nhiều loại mỹ phẩm sai phạm, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn từ mỹ phẩm kém chất lượng đang âm thầm gây tổn thương da, sức khỏe người tiêu dùng.

Kiểm tra sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo bị thu hồi tại kho của doanh nghiệp. (Nguồn: Bích Nhàn)

Kiểm tra sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo bị thu hồi tại kho của doanh nghiệp. (Nguồn: Bích Nhàn)

Mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan thị trường

Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (kem chống nắng toàn thân, dạng tuýp 100g) trên phạm vi toàn quốc, với lý do không đạt chất lượng theo quy định. Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM thực hiện cho thấy, chỉ số chống nắng (SPF) ghi trên nhãn là SPF 50, tuy nhiên kết quả thực tế chỉ đạt SPF 2,4 - mức bảo vệ gần như không có tác dụng chống nắng.

Ngoài sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, hai sản phẩm khác của nhãn hiệu này là Hanayuki Shampoo (chai 300g), Hanayuki Conditioner (chai 300g) cũng bị đình chỉ lưu hành và thu hồi. Nguyên nhân do kết quả kiểm nghiệm cho thấy cả hai mẫu sản phẩm đều chứa 2-Phenoxyethanol - thành phần không có trong công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Trước những vi phạm trên, ngày 24/5, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 1407/QLD-MP yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm đối với 2 doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm mang nhãn hiệu Hanayuki là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group và Công ty CP Nhà máy y tế EBC Đồng Nai (được chuyển đổi từ Công ty TNHH EBC Group). Lý do tạm dừng là trong 8 mẫu sản phẩm, mỹ phẩm do 2 doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh, ngoài 5 mẫu đạt tiêu chuẩn chất lượng thì có liên tiếp 3 mẫu vi phạm chất lượng.

Thực tế, đây chỉ là ba trong số nhiều sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng, sai phạm bị Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy. Đáng chú ý, các sản phẩm bị “tuýt còi” thường có điểm chung là công thức hoặc nội dung ghi trên nhãn không phù hợp với hồ sơ công bố, hoặc ghi công dụng không thống nhất với thông tin đã đăng ký. Những sai phạm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương trực tiếp cho da mà còn có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trao đổi với truyền thông về nguy hại tiềm ẩn trong các loại sản phẩm làm đẹp hiện nay, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, quá trình khám và điều trị các bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân bị biến chứng do dùng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc. Các trường hợp phổ biến là viêm da tiếp xúc, kích ứng, hay phản ứng với các thành phần dược, hóa chất mà người dùng không hề biết vì không được ghi rõ trên nhãn sản phẩm.

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, mỹ phẩm chăm sóc da không chỉ có vai trò làm đẹp mà còn góp phần bảo vệ làn da, bảo vệ sức khỏe. Chính vì thế, việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chất lượng là điều hết sức quan trọng trong làm đẹp, điều trị các bệnh da liễu.

Ngăn chặn bằng chế tài mạnh hơn

Thực tế cho thấy, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/CT-TTg và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống vấn nạn trên. Lực lượng chức năng cũng đã nỗ lực triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường vẫn xảy ra và việc xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng chỉ như “muối bỏ biển”.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này đến từ chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, hành vi sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm và sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng có hình phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Hình phạt bổ sung bao gồm, đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Thế nhưng, lợi nhuận từ việc kinh doanh các sản phẩm này thường rất lớn, khiến nhiều đối tượng bất chấp vi phạm, sẵn sàng đánh đổi để thu lợi nhuận, xem nhẹ các hình phạt hiện hành. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung các biện pháp chế tài xử lý mạnh hơn nữa, thậm chí cần khởi tố hình sự đối với trường hợp vi phạm quy mô lớn và nghiêm trọng, có như vậy tình trạng này mới được xử lý triệt để.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế cho biết đang tăng cường các biện pháp, quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Điểm nhấn trong đợt kiểm tra lần này là hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok, YouTube… - đây là các kênh bán hàng đang phát triển nhanh, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/my-pham-kem-chat-luong-gay-nguy-hiem-cho-nguoi-tieu-dung-can-duoc-ngan-chan-bang-che-tai-manh-post549781.html
Zalo