Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì 4 chiếc 'made in Vietnam'

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, Mỹ chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 Cứ 10 chiếc ghế xuất khẩu sang Mỹ thì 4 chiếc là do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Minh Phát.

Cứ 10 chiếc ghế xuất khẩu sang Mỹ thì 4 chiếc là do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Minh Phát.

Tại tọa đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh" và công bố FIATA World Congress 2025 chiều 9/7, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu.

"Nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời thì ngành xuất khẩu gỗ đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc", ông nói.

Theo ông, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường trên thế giới, trong đó 5 thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu.

"Trong đó đáng chú ý, Mỹ chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì trong đó có 4 chiếc 'made in Vietnam'", lãnh đạo Vifores nói.

Tuy nhiên, ông Hoài cho rằng sản phẩm gỗ khá đặc thù và có đặc điểm cồng kềnh hơn so với các sản phẩm khác, chi phí vận tải biển rất cao. Có những hợp đồng giá trị hàng hóa cũng chỉ tương đương chi phí vận chuyển.

Do đó, Phó chủ tịch hiệp hội cho rằng chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ. "Sản phẩm gỗ rất nhạy cảm về mặt môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp trong ngành phải hướng tới chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh", đại diện Vifores nhấn mạnh.

 Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ. Ảnh: Hồng Minh.

Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ. Ảnh: Hồng Minh.

Tương tự, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cũng cho rằng xây dựng một ngành logistics bền vững và có khả năng thích ứng nhanh là rất cấp bách và là xu hướng tất yếu.

Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Thậm chí trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

Ông DongKyun Kim, Phó chủ tịch Công ty TNHH Samsung SDS, đánh giá thách thức lớn nhất trong chuỗi cung ứng là khách hàng nhìn nhận rõ được độ minh bạch.

"Qua khảo sát của chúng tôi, chỉ có khoảng 6% khách hàng hiểu về chuỗi cung ứng, 15% hiểu một phần, còn lại 79% không nắm được chuỗi cung ứng được hình thành cụ thể như thế nào", ông nói.

Theo ông, điều này dẫn tới rủi ro là việc chậm trễ trong sản xuất do doanh nghiệp thiếu thông tin khi kiểm kê hàng tồn kho. Đồng thời việc vận chuyển hàng hóa bị chậm hay quản lý nhà kho gặp nhiều vấn đề.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng.

"Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các doanh nghiệp. Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo", ông Hải nhìn nhận.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn. Đồng thời, cần năng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc. Đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao khả năng thích ứng nhanh trong bối cảnh mới.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/my-nhap-khau-10-chiec-ghe-thi-4-chiec-made-in-vietnam-post1485475.html
Zalo