Mỹ, Nga đổ lỗi cho nhau về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân
Mỹ và Nga đổ lỗi cho nhau vì sự thiếu tiến bộ trong kiểm soát vũ khí hạt nhân sau khi Washington đưa ra một đề xuất và bị Moscow từ chối.
Hãng Reuters đưa tin, Washington đã đưa ra đề xuất hội đàm về khuôn khổ duy trì các hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược khi các giới hạn hiện thời sẽ kết thúc vào năm 2026 nhưng bị Moscow từ chối.
Một số chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng, việc Mỹ không chính thức chuyển đề xuất cho Nga có thể khiến hai bên không đủ thời gian để đạt được một hiệp ước mới.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) Daryl Kimball nói: "Không có lý do nào biện hộ cho chính quyền Mỹ đã trì hoãn gần 2 tháng trong việc truyền đạt chính thức đề xuất này cho Kremlin. Những cuộc đàm phán phức tạp như vậy sẽ đặc biệt khó khăn chừng nào cuộc xung đột ở Ukraine còn tiếp diễn".
Ông Jake Sullivan - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đề xuất trong một bài phát biểu trước ACA hôm 2/6. Quan chức này thông báo, chính quyền Mỹ sẵn sàng đàm phán với Moscow (mà không có điều kiện tiên quyết) về việc quản lý những rủi ro hạt nhân và về khuôn khổ thay thế Hiệp ước START mới hết hạn vào năm 2026.
Theo ông Sullivan, bất kỳ giới hạn nào mà Washington có thể đồng ý sẽ bị tác động bởi quy mô của việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân đang diễn ra của Trung Quốc.
Cuối tuần trước, hãng tin Tass dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergi Ryabkov nói, trong khi Moscow đang xem xét phát biểu của ông Sullivan thì Washington vẫn chưa gửi đề xuất chính thức nào bằng văn bản.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược gần đây nhất của Nga và Mỹ - New START, đã giới hạn số lượng đầu đạn vũ khí hạt nhân mỗi nước có thể triển khai là 1.550. Năm 2021, Mỹ và Nga đã gia hạn hiệp ước được ký kết vào năm 2010 thêm 5 năm và tiếp tục tuân thủ các hạn chế của nó dù hồi tháng 2, Nga tuyên bố ngừng tham gia New START.