Mỹ mắc kẹt với Israel
Khi Iran dội hàng trăm tên lửa vào Israel đêm 1/10 rạng sáng 2/10, hy vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông có thể kết thúc chiến tranh ở Dải Gaza và làm dịu tình hình ở Trung Đông trước khi kết thúc nhiệm kỳ trở nên chấp chới hơn bao giờ hết.
Loạt tên lửa của Iran được phóng ra sau khi Israel mở rộng tấn công các lực lượng thân Iran ở khu vực, trong đó có hàng loạt vụ không kích táo bạo nhằm loại bỏ các lãnh đạo cấp cao nhất của Hezbollah và nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen. Giờ đây, Tổng thống Biden có vẻ mắc kẹt giữa lời hứa chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza với tuyên bố tiếp tục ủng hộ Israel khi xung đột leo thang trên một mặt trận nữa.
Tổng thống Mỹ dành hầu hết ngày 1/10 trong Phòng tình huống của Nhà Trắng, sau khi tình báo Mỹ phát hiện Iran đang chuẩn bị tấn công tên lửa vào Israel để đáp trả vụ giết hại lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah. Ông Biden đã chỉ đạo quân đội Mỹ giúp Israel đối phó với cuộc tấn công của Iran. Khi người Israel vội vã chạy xuống hầm trú ẩn, quân đội và Mỹ và Israel đánh chặn hầu hết trong loạt gần 200 tên lửa của Iran. “Vụ tấn công có vẻ đã bị đánh bại và không hiệu quả”, ông Biden nói với báo chí tại Nhà Trắng vào chiều 1/10 (giờ Mỹ). “Không phạm sai lầm nào, Mỹ hoàn toàn hỗ trợ Israel”, ông nói thêm. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi cuộc tấn công là “bước leo thang đáng kể của Iran”. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Iran “phạm sai lầm lớn” và “sẽ phải trả giá”.
Kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, chính quyền Biden cố gắng dàn xếp một thỏa thuận giữa Israel và Hamas để giải cứu hàng trăm con tin. Tuy nhiên, đến nay Hamas vẫn chưa chấp nhận thả những con tin còn lại và Israel không chịu rút lực lượng khỏi Dải Gaza, tuyên bố rằng sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi Hamas không còn khả năng tấn công Israel. Trong thời gian đàm phán đang diễn ra, Hezbollah phóng hàng ngàn rốc-két từ các căn cứ của họ ở miền nam Li-băng vào miền bắc Israel, khiến khoảng 60.000 dân phải sơ tán.
Trong mấy tháng, Israel tránh leo thang chiến tranh với Hezbollah. Nhưng từ ngày 17/9, Israel chuyển sang giai đoạn mới, mở đầu bằng việc kích nổ hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm. Sau đó, Israel thả hàng trăm quả bom vào hạ tầng quân sự và căn cứ của Hezbollah ở Li-băng. Ngày 2/10, các lực lượng Israel vượt qua biên giới để tiến vào phía nam Li-băng, Xinhua đưa tin.
Tuần trước, Mỹ và Pháp thúc giục Israel chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trong 21 ngày với Hezbollah, nhưng Israel gạt bỏ. Ngay hôm sau, khi Thủ tướng Netanyahu vừa có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Israel tấn công trụ sở ngầm của Hezbollah ở ngoại ô thủ đô Beirut của Li-băng, giết chết lãnh đạo cao nhất của lực lượng thân Iran.
Nhiều cách đáp trả
Cả Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đều báo hiệu sẽ tiếp tục bảo vệ Israel. Israel sẽ tiếp tục dựa vào vũ khí Mỹ để đối phó với các cuộc tấn công của Iran. Giới chức Israel cho rằng Mỹ chưa làm đủ để ngăn Iran hợp tác với Nga để phát triển vũ khí trong những năm gần đây, đồng thời thúc ép Mỹ làm nhiều hơn để chặn Iran bán dầu trên thị trường đen, mang về cho Tehran nguồn thu đáng kể.
Như Israel thể hiện trong cuộc tấn công nhằm vào hàng loạt máy nhắn tin, nước này có nhiều cách để trả đũa Iran. Giới quan sát cho rằng Israel sẽ thể hiện những khả năng mới trong thời gian tới, như vũ khí trong không gian mạng. Trang tin Axios dẫn lời các quan chức Israel cho biết, Israel sẽ có hành động “đáp trả đáng kể” trong vài ngày tới, có thể nhắm vào các cơ sở dầu khí bên trong lãnh thổ Iran và những địa điểm chiến lược khác.
Nỗi lo của cộng đồng quốc tế là Israel có thể quyết định tấn công một số cơ sở hạt nhân của Iran. Đó là điều Israel không làm trong vụ tấn công hồi tháng 4, có thể vì lo ngại Hezbollah sẽ phản ứng mạnh mẽ. Thay vào đó, Israel đã tấn công cơ sở quân sự gần cơ sở hạt nhân. Nhưng Hezbollah rõ ràng đã suy yếu sau hàng loạt đòn gần đây của Israel, tính toán của Israel có thể sẽ thay đổi. “Israel có thể sẽ tiếp tục gia tăng sức ép, gia tăng cái giá họ đòi trước khi xuống thang”, Jonathan Schanzer, phó chủ tịch Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (trụ sở tại Washington DC), nhận định. Tổng thống Biden có thể sẽ tiếp tục nỗ lực để kết thúc cuộc chiến bằng con đường ngoại giao. “Tôi nghĩ cơ hội để làm được điều đó rất thấp”, ông Schanzer nói.
Mỹ sẽ triển khai hệ thống tên lửa siêu vượt âm để đối phó Iran?
Một khả năng mà Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tính đến là triển khai hệ thống vũ khí siêu vượt âm tầm xa mới mang tên Dark Eagle, theo Viện Washington. Đây là hệ thống tên lửa chiến lược đất-đối-đất được trang bị một thân lượn siêu vượt âm có khả năng cơ động theo quỹ đạo lõm để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3.000 km.
Triển khai Dark Eagle tới khu vực Trung Đông và mời các sĩ quan đồng minh quan sát sẽ cho Tehran thấy rằng Mỹ đã sẵn sàng sử dụng các hệ thống “tấn công nhanh” chính xác mới nhất để răn đe và, nếu cần, để áp chế, Viện Washington nhận định.
Trước đó, Mỹ triển khai các tàu khu trục thế hệ mới nhất lớp Arleigh Burke trong khu vực, có khả năng sử dụng thế hệ mới nhất của tên lửa đánh chặn. Mỹ cũng triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho phép chỉ huy tác chiến tiến hành tất cả các nhiệm vụ quan trọng của không lực (ưu thế trên không, hỗ trợ gần trên không, tấn công chiến lược, chiến tranh điện tử, trinh sát, thu thập và phân phối thông tin tình báo, và chế áp/tiêu diệt phòng không của đối phương) cùng một lúc.Thái An (theo Washington Institute)