Mỹ Lâm xây lại những ước mơ
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh, đồng thời cũng là hành trình hồi sinh những mái ấm nghèo, nơi cuộc sống được thắp lên từ những viên gạch đầu tiên. Ở phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, chủ trương ấy đang được hiện thực hóa bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng những tấm lòng sẻ chia của người dân và cả những nghĩa cử khiến người ta tin vào tình người giữa cuộc sống bộn bề.
Phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm trong tháng 6
Năm 2025, Mỹ Lâm có 43 hộ trong danh sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó có 42 hộ xây mới hoàn toàn, 1 hộ sửa chữa nâng cấp. Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả, UBND phường đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND phường làm Phó Trưởng ban thường trực, với sự tham gia của tất cả thành viên UBND và cán bộ các tổ dân phố.

Ngôi nhà mới đang xây của gia đình anh Hoàng Văn Cương, tổ 8, phường Mỹ Lâm đang được xây dựng có nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Từ việc khảo sát thực tế từng hộ đến rà soát hồ sơ pháp lý, vận động xã hội hóa và huy động nhân lực… tất cả đều được triển khai đồng bộ. Lực lượng dân quân, công an phường, đoàn thanh niên… cùng xuống từng công trình hỗ trợ ngày công giúp bà con tháo dỡ nhà cũ, làm móng, vận chuyển vật liệu, đắp nền.
Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm Nguyễn Tiến Quân chia sẻ: “Mỗi hộ gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nên phường phân công cán bộ phụ trách cụ thể để nắm sát tình hình và tháo gỡ các vướng mắc. Có những hộ khó khăn vì chưa có sổ đỏ, chưa thể cấp phép xây dựng - cán bộ lại phối hợp hỗ trợ làm thủ tục đo đạc, cấp phép xây dựng. Tinh thần là không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Không ngồi chờ nguồn từ cấp trên, phường Mỹ Lâm chủ động phát huy nội lực. Các tổ dân phố được giao chủ động vận động trong dân. Với những trường hợp quá khó khăn, UBND phường đứng ra kết nối doanh nghiệp, mạnh thường quân. Tính đến đầu tháng 4, 12 hộ đã có quyết định phân bổ kinh phí từ UBND thành phố. Phường cũng đã huy động được 121 triệu đồng từ các hộ dân, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp, gửi về Ủy ban MTTQ thành phố để tiếp tục phân bổ cho các xã, phường. Trên địa bàn phường hiện đã có 40 hộ khởi công xây nhà, những hộ còn lại cũng đang chờ ngày tốt là xây nhà trong nay mai. Phường phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm trong tháng 6 năm 2025.
Nghĩa tình nhân lên từ khó khăn
Không khí xây dựng sôi động nhất có lẽ là ở tổ 8. Bà Nguyễn Thị Phượng, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Tổ có 20 hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát thì có tới 19 hộ xây nhà mới. Bà con trong tổ đã họp lại, thành lập một đội thợ xây nội bộ, ai có sức góp sức, ai có vật liệu góp vật liệu. Mỗi ngôi nhà được khởi công đều có bàn tay giúp đỡ của hàng xóm”.

Lãnh đạo UBND phường Mỹ Lâm hỏi thăm tiến độ xây nhà của gia đình anh Phạm Văn Tư (ở giữa), tổ 7 - người đã nhường lại tiền hỗ trợ cho gia đình khác.
Câu chuyện của gia đình anh Hoàng Văn Cương, tổ 8 là một trong những minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ từ chính nội lực và sự hỗ trợ kịp thời. Anh Cương là hộ di dân tái định cư từ năm 2005, sống cùng 4 thế hệ trong căn nhà cũ rộng chỉ 35 m2, dựng bằng ván gỗ tạm bợ, mái lợp pro xi măng đã thủng lỗ chỗ vì thời gian. Nhận được 60 triệu đồng hỗ trợ từ Nhà nước, anh dành thêm 120 triệu đồng tiết kiệm và vay thêm 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động thêm bạn bè, người thân để khởi công căn nhà cấp 4 rộng 100 m2. Kinh phí dự kiến khoảng 400 triệu đồng.
Nhìn từng viên gạch được xếp ngay ngắn, từng bức tường dần hình thành, anh Cương xúc động nói: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể tự tay xây được một mái nhà vững chắc như thế. Cảm ơn chính quyền, cảm ơn bà con đã không để gia đình tôi đơn độc. Ngôi nhà mới cũng là cuộc đời mới của tôi”.
Không chỉ nhận, người dân nơi đây còn biết cho đi. Anh Phạm Văn Tư ở tổ 7 là một ví dụ điển hình. Gia đình anh có 5 người sống trong căn nhà tạm bợ rộng khoảng 24 m2, dựng bằng gỗ và quây bạt, mái lợp pro xi măng. Anh là hộ cận nghèo, thuộc diện được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà mới. Tuy nhiên, mới đây gia đình anh được đền bù 800 triệu đồng tiền đất, anh đang dùng nó để xây nhà, dự kiến hết khoảng 700 triệu đồng. Anh đã xin rút khỏi danh sách hỗ trợ và nhường lại suất hỗ trợ cho hộ nghèo khác. “Gia đình tôi giờ đã ổn hơn rồi. Vẫn còn nhiều người cần giúp hơn tôi. Chia sẻ một phần là điều nên làm, để công bằng và nhân văn hơn”, - anh Tư chia sẻ nhẹ nhàng, nhưng lời nói khiến bao người xúc động.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ chương trình, nhiều hộ dân khó khăn còn nhận được sự đồng hành từ các tổ chức đoàn thể, góp phần giúp họ hoàn thiện ngôi nhà và ổn định cuộc sống. Như trường hợp bà Dương Thị Sắc, tổ 8 được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ 60 triệu đồng, phần còn lại do gia đình tự thu xếp đối ứng để xây dựng tổ ấm mới.
Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Tiến Quân cho biết thêm: “Chúng tôi xây nhà để người dân có nơi ở ổn định, nhưng điều quan trọng hơn là khơi dậy niềm tin, tiếp thêm nghị lực và mở ra một hành trình sống mới. Khi mái nhà vững chãi, lòng người cũng sẽ an yên”.
Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát ở phường Mỹ Lâm không đơn thuần là hỗ trợ xây dựng, mà là sự chung tay, sát cánh của cả hệ thống chính trị các cấp, Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đến từng tổ dân phố, từng người dân. Đó là nơi không có ai đứng ngoài cuộc, nghĩa tình cộng đồng được lan tỏa và củng cố.
Khi những ngôi nhà mới mọc lên, niềm vui như nở rộ trên từng khuôn mặt, giản dị mà rạng ngời. Những ngôi nhà mới được xây lên là hạnh phúc của một hộ gia đình có trốn đi về an toàn, nơi ai cũng được sẻ chia và không ai bị bỏ lại phía sau.