Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, Mỹ sẽ khó lòng áp đảo Trung Quốc trong cuộc chiến thuế quan, khi Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị từ trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhậm chức đã công bố những bước đi tham vọng nhưng cũng đầy mâu thuẫn nhằm gây sức ép lên Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại và sản xuất.
Tuy nhiên Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ trước và nhiều khả năng họ còn đạt được lợi ích khi vượt qua chủ nghĩa bảo hộ từ chính quyền mới của Mỹ, ý kiến này được chuyên gia phân tích các vấn đề kinh tế Taj Parikh đưa ra trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times (FT).
Nhiều người tin rằng các khoản thuế và hạn chế bổ sung đối với Trung Quốc sẽ có hại cho nền kinh tế nước này, tuy nhiên chính sách bảo hộ của ông Trump dự báo gây ra ít tác hại hơn nhiều so với những gì diễn ra trong nhiệm kỳ trước.
Trên thực tế, ngành công nghiệp và thương mại Trung Quốc nhiều khả năng vẫn phát triển mạnh bất chấp tác động từ bên ngoài và Mỹ phải chịu bất lợi từ chính sách "đóng cửa" của mình.
Vị chuyên gia đã phân tích tác động kinh tế trực tiếp, tức thời của thuế quan mới. Theo tác giả bài viết, Trung Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Theo số liệu thống kê của Capital Economics thì tổng nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc hiện chiếm khoảng 2,8% tổng sản phẩm quốc nội của Bắc Kinh.
Chính vì vậy tính toán cho thấy việc tăng thuế thực tế từ 15% lên 25% và thậm chí tới 60% như ông Trump đã nhắc tới chỉ có thể thu hẹp nền kinh tế Trung Quốc đi 1%, con số này không đủ tạo ra thay đổi.
"Con số trên thậm chí còn ít hơn và đó là chưa tính đến các yếu tố bù đắp khác. Mặc dù vậy, hiện nay Trung Quốc vẫn cố tỏ ra sợ hãi nhằm đánh lừa đối thủ đang tưởng rằng mình đã thành công, họ đang 'ru ngủ' sự cảnh giác của đối phương", ông Parikh nhận định.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chuyển hướng dòng hàng hóa xuất khẩu sang khu vực khác, nơi có nhu cầu ngày càng tăng. Sau khi thuế quan được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, xuất khẩu của Bắc Kinh sang thị trường mới nổi đã phát triển nhanh chóng.
Nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc ở các nước phát triển, ngoại trừ Mỹ cũng tăng lên. Một số nơi khác, đặc biệt là những thị trường trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh tăng cường quan hệ kinh tế trong nhiều thập kỷ sẽ muốn duy trì thương mại chi phí thấp với họ.
Hơn nữa, hàng hóa Trung Quốc vẫn có thể xâm nhập thị trường Mỹ thông qua hình thức xuất khẩu nhờ nước thứ ba, điều này sẽ cho phép nhà sản xuất tránh được hàng rào thuế quan.
Tất nhiên Mỹ đã lường trước và có sẵn biện pháp chống lại cách thức trên, nhưng quá trình thực thi sẽ không dễ dàng và nhanh chóng, đặc biệt khi các công ty Trung Quốc đã phòng ngừa rủi ro bằng cách mở nhà máy trên khắp thế giới.
Đồng nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ suy yếu khi mức thuế mới được ban hành, giúp cho hàng hóa Trung Quốc có tính cạnh tranh và bù đắp tác động từ hàng rào thuế quan mà ông Trump áp đặt.
Khi thiệt hại kinh tế trực tiếp của Trung Quốc dự báo ở mức dưới 1% chắc chắn sẽ làm phá sản hoàn toàn những toan tính được ông Trump đưa ra khi mới nhậm chức.
Việt Dũng
Theo Financial Times