Mỹ khẳng định chưa thấy năng lực tái nhập khí quyển của tên lửa Triều Tiên

Công nghệ tái nhập khí quyển là yếu tố cần thiết để đảm bảo đầu đạn của tên lửa có thể chịu được nhiệt độ cực cao trong quá trình tái nhập khí quyển Trái Đất.

Triều Tiên xác nhận phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 ngày 18/12/2023. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Triều Tiên xác nhận phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 ngày 18/12/2023. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Theo Yonhap , ngày 19/11, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), Đô đốc Samuel Paparo, cho biết Washington "chưa" thấy năng lực tái nhập khí quyển của tên lửa Triều Tiên, công nghệ then chốt mà Bình Nhưỡng cần để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Ông Paparo đưa ra phát biểu trên tại diễn đàn ở Washington, trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày càng đẩy mạnh nỗ lực có được các phương tiện vận chuyển đầu đạn tầm xa đáng tin cậy, như có thể thấy qua vụ phóng thử tên lửa ICBM Hwasong-19 mới hồi tháng trước.

Phát biểu tại diễn đàn do Viện Brookings tổ chức, ông Paparo chia sẻ: "Chưa. Chúng tôi chưa thấy năng lực đó, nhưng chúng tôi vẫn thấy họ tiếp tục thử nghiệm hướng tới mục tiêu này."

Công nghệ tái nhập khí quyển là yếu tố cần thiết để đảm bảo đầu đạn của tên lửa có thể chịu được nhiệt độ cực cao trong quá trình tái nhập khí quyển Trái Đất.

Mặc dù đã nhiều lần thử nghiệm ICBM, song chưa rõ liệu Triều Tiên đã thực sự hoàn thiện công nghệ này hay chưa.

Khi hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moskva ngày càng sâu sắc, đã xuất hiện suy đoán rằng Triều Tiên có thể yêu cầu hỗ trợ công nghệ quân sự, bao gồm cả công nghệ liên quan đến ICBM, để đổi lấy việc triển khai quân đội hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-khang-dinh-chua-thay-nang-luc-tai-nhap-khi-quyen-cua-ten-lua-trieu-tien-post994453.vnp
Zalo