Mỹ-Iran đàm phán hạt nhân lần 3, triển vọng thế nào?

Chuyên gia dự đoán vòng đàm phán hạt nhân thứ ba giữa Mỹ và Iran có thể đối mặt thách thức nếu phía Mỹ đề cập những vấn đề chưa từng được nhắc đến trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Mỹ và Iran đã nối lại vòng đàm phán ngoại giao cấp cao liên quan chương trình hạt nhân của Tehran từ giữa tháng 4. Trải qua 2 vòng đàm phán, Iran và Mỹ đã đồng ý sẽ bắt đầu xây dựng khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng.

Ngày 26-4, Mỹ và Iran dự kiến bước vào vòng đàm phán hạt nhân thứ ba.

Cả phía Iran và Mỹ đều cho biết hai vòng đàm phán trước đó diễn ra trong không khí tích cực. Tuy nhiên, theo đài CNN, đàm phán hôm 26-4 có thể phức tạp hơn, vì chúng sẽ bao gồm các cuộc đàm phán về các chi tiết của chương trình hạt nhân của Iran – một lĩnh vực mà Tehran và Washington vẫn còn chia rẽ sâu sắc.

 Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani (trái) gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại Rome hôm 19-4, trước khi Iran và Mỹ bước vào đàm phán hạt nhân vòng 2. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani (trái) gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại Rome hôm 19-4, trước khi Iran và Mỹ bước vào đàm phán hạt nhân vòng 2. Ảnh: AFP

Các cuộc đàm phán đã đi đến đâu?

Năm 2015, Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức). Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Được biết với tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận năm 2015 cho phép Iran làm giàu uranium ở mức đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của nước này sẽ hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ thỏa thuận. Iran đã trả đũa hành động này bằng cách tăng mức làm giàu uranium với độ tinh khiết lên 60% - một bước tiến kỹ thuật gần với mức khoảng 90% đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Dù vậy, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ vẫn vì mục đích hòa bình.

Vào tháng 3, ông Trump đã gửi một lá thư cho Lãnh tụ tối cao Iran – ông Ali Khamenei để đề xuất đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mới. Theo CNN, trong thư, ông Trump nêu rõ rằng Iran có thời hạn 2 tháng để cân nhắc về thỏa thuận mới.

Chính quyền Trump muốn gì trong thỏa thuận mới?

Tổng thống Trump nói rằng ông muốn có một thỏa thuận hạt nhân "mạnh mẽ hơn" với Iran so với thỏa thuận đã đạt được vào năm 2015. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền ông trong tháng qua có vẻ không thống nhất với nhau.

Trong tháng 4, Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff cho biết Iran không cần phải làm giàu uranium vượt quá mức cần thiết cho một chương trình năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, ông Witkoff cũng không yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium hoàn toàn hoặc phá bỏ chương trình hạt nhân của họ.

 Áp phích có hình Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei được đặt cạnh một tên lửa đạn đạo tại Quảng trường Baharestan ở Tehran (Iran) vào tháng 9-2024. Ảnh: AFP

Áp phích có hình Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei được đặt cạnh một tên lửa đạn đạo tại Quảng trường Baharestan ở Tehran (Iran) vào tháng 9-2024. Ảnh: AFP

Nhưng sau đó, ông Witkoff đã đảo ngược lập trường. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Witkoff cho biết bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào với Iran cũng sẽ yêu cầu nước này "dừng và xóa bỏ chương trình làm giàu và vũ khí hạt nhân".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth kêu gọi Tehran phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của họ.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 23-4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Iran có thể có chương trình hạt nhân dân sự nhưng họ sẽ phải nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân cần thiết thay vì sản xuất trong nước.

"Có một con đường dẫn đến chương trình hạt nhân dân sự, hòa bình nếu họ muốn. Nhưng nếu họ khăng khăng muốn làm giàu uranium thì họ sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới không có ‘chương trình vũ khí’, nhưng vẫn làm giàu. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng điều đó có vấn đề” – ông Rubio nói.

Phía Iran nói gì?

Iran cáo buộc chính quyền Trump gửi đi những thông điệp lẫn lộn về vấn đề hạt nhân của nước này.

"Chương trình làm giàu của Iran là vấn đề thực sự và chính đáng. Chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin liên quan đến những lo ngại tiềm ẩn, nhưng vấn đề làm giàu là không thể thương lượng" – đài Press TV dẫn lời Ngoại trường Iran Abbas Araghchi.

Truyền thông Iran cho biết Mỹ cũng nên kiềm chế không nêu ra các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng của Iran.

Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao của Iran tiếp cận các cuộc đàm phán với sự thận trọng cực độ. Ông Khamenei cho biết Tehran "không quá lạc quan cũng không quá bi quan" về các cuộc đàm phán với Mỹ.

Thách thức phía trước

Theo CNN, ông Araghchi và ông Witkoff sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao trong vòng đàm phán thứ ba vào ngày 26-4. Bên cạnh đó, nhóm kỹ thuật từ hai bên cũng sẽ đàm phán về thỏa thuận hạt nhân tương lai.

Ông Michael Anton – người đứng đầu bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ – sẽ dẫn đầu nhóm kỹ thuật từ phía Mỹ. Theo nguồn tin của CNN, nhóm này sẽ bao gồm khoảng 12 chuyên gia làm việc tại nhiều cơ quan chính phủ Mỹ và thảo luận các chi tiết cụ thể hơn về con đường dẫn đến một thỏa thuận hạt nhân mới, chẳng hạn khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt và hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

 Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: AFP

Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo ông Trita Parsi – phó Chủ tịch điều hành của nhóm nghiên cứu Viện Quincy (Mỹ), nhóm kỹ thuật này sẽ gặp phải thách thức vì họ sẽ đàm phán về các vấn đề không được đưa ra trong thỏa thuận năm 2015.

"Điều này đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo những ý tưởng khác nhau này thực sự có thể khả thi" – ông Parsi nói.

Ông Parsi cũng lưu ý rằng rào cản khác có thể xuất hiện nếu Mỹ yêu cầu các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran “phải là vĩnh viễn”.

“Điều này có nghĩa là sẽ không giống như các thỏa thuận kiểm soát vũ khí thông thường, [vì theo các thỏa thuận thông thường] các hạn chế có giới hạn thời gian và hết hạn theo thời gian” – ông Parsi nói.

Ông Parsi cho biết việc gia hạn thời gian cho thỏa thuận mới là điều có thể cần được cân nhắc, vì “bất cứ điều gì thúc đẩy những hạn chế vô hạn và vĩnh viễn đều rất có thể sẽ thất bại”.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-iran-dam-phan-hat-nhan-lan-3-trien-vong-the-nao-post846710.html
Zalo