Mỹ dừng viện trợ gây nguy cơ tê liệt nỗ lực toàn cầu trong xóa đói giảm nghèo

Nỗ lực cắt giảm và định hình lại viện trợ nước ngoài của Mỹ đang làm tê liệt hệ thống toàn cầu trong việc ngăn ngừa và ứng phó với nạn đói. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nhà tài trợ lấp đầy khoảng trống của Mỹ để cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu không bị gián đoạn.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định dừng các hoạt động của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ trên toàn thế giới, đồng thời xem xét lại các khoản viện trợ nước ngoài thông qua cơ quan này.

Theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2024, gần 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải trải qua tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng hoặc sinh kế của họ. Ngay cả trước khi Mỹ tạm dừng viện trợ, hệ thống chống nạn đói của thế giới đã chịu sức ép rất lớn, do xung đột và bất ổn chính trị.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Trên thực tế, Mỹ là nhà tài trợ viện trợ lớn nhất. Mỹ đã cung cấp 64,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo trong 5 năm qua. Con số này chiếm ít nhất 38% tổng số đóng góp được Liên Hợp Quốc ghi nhận. Chính vì vậy, việc tạm dừng viện trợ tạo ra một cuộc khủng hoảng hai mặt đối với các tổ chức nhân đạo đang nỗ lực cứu trợ nạn đói nghiêm trọng. Nó làm suy yếu các chương trình nhằm ngăn chặn nạn đói hàng loạt và cản trở các chương trình nhằm ứng phó với khủng hoảng và cứu sống con người.

Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi hôm qua đã kêu gọi các nhà tài trợ khác trên khắp thế giới lấp đầy khoảng trống này: "Chúng tôi là một tổ chức được tài trợ tự nguyện, vì vậy chúng tôi phải rất thận trọng trong cách sử dụng nguồn lực. Mỹ là nhà tài trợ lớn, nhưng không phải là nhà tài trợ duy nhất. Trên thực tế, phần lớn các khoản tiền đến từ các nhà tài trợ khác, bao gồm Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên của châu Âu.

Điều tôi muốn nói là, các nhà tài trợ hãy có những khoản viện trợ linh hoạt hơn, trước khi Mỹ cần thêm thời gian để có thể tiếp tục các khoản đóng góp. Các nhà tài trợ hãy đẩy nhanh các khoản đóng góp để lấp đầy khoảng trống này. Bởi vì nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dòng tiền mà chúng ta không thể chi trả được. Chúng ta phải giải quyết các tình huống liên quan đến sự sống của con người mà điều đó không cho phép chúng ta bị cắt đứt viện trợ quá lâu”.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, một ngoại lệ cho phép tiếp tục hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Tuy nhiên phần lớn viện trợ khẩn cấp đó cũng đã tạm dừng khi các tổ chức nhân đạo tìm kiếm sự rõ ràng về những chương trình cứu trợ nào được phép tiếp tục. Ít nhất có khoảng 500.000 tấn thực phẩm trị giá 340 triệu USD đang bị bỏ quên, đang vận chuyển hoặc đang phải lưu trữ, vì các tổ chức nhân đạo đang chờ Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận để phân phối.

Các nhân viên cứu trợ cho biết viện trợ tiền mặt do Mỹ cung cấp nhằm hỗ trợ các bếp ăn cộng đồng hoặc giúp người dân mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ở Sudan và Gaza cũng đã bị dừng lại. Các tổ chức nhân đạo đã gặp phải rào cản trong việc được trả tiền cho các hoạt động cứu trợ lương thực khẩn cấp.

Mạng lưới Hệ thống Cảnh báo Sớm Nạn đói (FEWS NET), một tổ chức của Mỹ thường xuyên đưa ra cảnh báo an ninh lương thực nhằm ngăn ngừa nạn đói, cũng đã bị đóng cửa. Việc mất đi mạng lưới này khiến các tổ chức cứu trợ không còn nguồn hướng dẫn quan trọng về địa điểm và cách triển khai cứu trợ nhân đạo. Các nhà nghiên cứu thu thập và phân tích dữ liệu về tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói cho biết FEWS NET rất cần thiết cho các nỗ lực chống đói nghèo của thế giới.

Bên cạnh đó Chính phủ Mỹ cũng ban hành lệnh ngừng hoạt động đối với hai nhà sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng lớn, làm giảm nguồn cung cấp thực phẩm cứu sống trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Châu Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-dung-vien-tro-gay-nguy-co-te-liet-no-luc-toan-cau-trong-xoa-doi-giam-ngheo-post1153276.vov
Zalo