Mỹ Đức khơi dậy tiềm năng, lợi thế làng nghề
Nhờ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, nhiều làng nghề của thành phố Hà Nội đã biết khơi dậy, phát huy tiềm năng, lợi thế giá trị kinh tế làng nghề. Việc phân loại, xếp hạng sao cho sản phẩm OCOP đã góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề, thậm chí nhiều sản phẩm được lựa chọn làm quà tặng cao cấp... Huyện Mỹ Đức là một ví dụ điển hình.
Tiềm năng từ các sản phẩm truyền thống
Nhờ tham gia Chương trình OCOP của thành phố, nhiều làng nghề của Hà Nội, trong đó có làng nghề của huyện Mỹ Đức đã phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế. Việc phân loại, xếp hạng sao cho sản phẩm OCOP đã góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề, thậm chí nhiều sản phẩm được lựa chọn làm quà tặng cao cấp...
Đơn cử tại xã Phùng Xá, Mỹ Đức, chưa bao giờ các sản phẩm lụa làm từ tơ sen, chăn bông tơ tằm tự dệt của Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức lại nổi tiếng như bây giờ. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã được Bộ NN-PTNT công nhận OCOP 5 sao. Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết: gia đình làm nghề dệt từ nhiều đời, sau nhiều năm quan sát, học hỏi, bà đã tìm ra cách “biến” hàng vạn con tằm cùng nhả tơ trên một mặt phẳng và liên kết tự nhiên tạo thành tấm mền nguyên khối có kích thước tùy thích.
Được biết, để làm ra sản phẩm “Chăn tơ tằm tự dệt”, bà Phan Thị Thuận xử lý tấm mền do tằm tự dệt bằng nước nóng nhằm loại bỏ tạp chất, keo tơ, tạo độ xốp cho ruột chăn. Sau đó, ruột chăn được chần bằng tay với một lớp vải tơ tằm để giữ được độ xốp. Vỏ chăn làm bằng tơ tằm, được nhuộm từ lá, thân, rễ các cây sòi, xoài, nghệ... ".
Cũng theo bà Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá có nghề dệt truyền thống, nhưng sức lan tỏa và tiếp nối chưa được sâu rộng. Từ khi được tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm của làng nghề cùng với sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen do cơ sở nghiên cứu, sản xuất đã được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ tốt hơn. Trung bình mỗi năm, công ty hoàn thành hàng nghìn chiếc chăn tơ tằm tự dệt, sản phẩm bán theo cân nặng, mỗi ki lô gam chăn có giá 4 triệu đồng. "Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, người tiêu dùng biết đến chăn tơ tằm nhiều hơn. Mặc dù cung không đủ cầu, song công ty vẫn giữ nguyên giá để nhiều người tiêu dùng được trải nghiệm, sử dụng sản phẩm chăn từ nguyên liệu tự nhiên, cao cấp”, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Dệt may Thành Long, trong thời gian qua doanh nghiệp này cũng đã sản xuất được dòng sản phẩm khăn bông sợi nở có khả năng thấm hút cao, mềm mại, tiện dụng, an toàn. Sản phẩm đang được bày bán ở nhiều siêu thị và được các khách sạn đặt hàng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật.
Chia sẻ về việc tham gia Chương trình OCOP, chủ cơ sở dệt ở thôn Hạ Đỗ Hữu Trí cho biết: xưởng sản xuất của gia đình ông có 20 lao động tập trung; ngoài ra, cơ sở còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng trăm lao động vệ tinh nhận hàng về làm tại nhà. Những sản phẩm lụa tơ tằm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn và trí tuệ của thợ dệt lụa Phùng Xá, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm đã mang lại giá trị kinh tế cao và tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Có thể thấy, làng nghề Phùng Xá đang tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân. Thay vì dệt lụa, các hộ đã chuyển sang dệt khăn mặt, khăn tắm tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thị Nhung cho biết, toàn xã hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm... Nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã. Các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa phương đã rất tích cực tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội nhằm xây dựng thương hiệu, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm.
Hiệu quả thiết thực
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh cho các chủ thể. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đều là sản phẩm độc đáo, sáng tạo, mang những nét đặc trưng, truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường, bảo đảm các tiêu chí tham gia đánh giá phân hạng. Các chủ thể đều quan tâm đến chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định của pháp luật. Các sản phẩm bước đầu đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Chất lượng về hồ sơ minh chứng cơ bản được hoàn thiện rõ ràng, đánh giá được tình hình hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm.
Đánh giá về Chương trình OCOP của huyện Mỹ Đức, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, hiện nay, chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được các địa phương trong huyện Mỹ Đức triển khai tích cực; đây là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận với các chuyên gia, công nghệ, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm được chuẩn hóa nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức cũng đã tổ chức khai trương vận hành các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP; tổ chức các hội nghị, hội thảo về chương trình OCOP... qua đó giúp các chủ thể, doanh nghiệp có cơ hội kết nối giao thương, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực sản xuất.
“Đây chính là cơ hội để các chủ thể đam mê sáng tạo và tạo ra những sản phẩm truyền thống có lợi thế cạnh tranh cao và đứng vững trên thị trường, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới của các chủ thể gồm: HTX thêu tay Mỹ Đức có 5 sản phẩm (Tranh thêu tay quốc hoa đón xuân; Tranh thêu tay Văn Miếu Quốc Tử Giám; Tranh thêu tay chùa Một cột; Tranh thêu tay Hoa hướng dương; Tranh thêu tay Thiền Sen); Công ty TNHH Nông nghiệp Mỹ Đức có 3 sản phẩm (Trà xạ đen; Trà cà gai leo; Viên tinh nghệ sữa ong chúa)...
Đến nay, toàn huyện đã có 57 sản phẩm OCOP, trong đó có 22 sản phẩm OCOP 4 sao và 32 sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá xếp hạng 5 sao; hai sản phẩm: khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức có tiềm năng đạt 5 sao…
Sau khi được gắn sao, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức có tốc độ phát triển mạnh, như: khăn tơ tằm, khăn tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, nấm kim châm của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất KinoKo Thanh Cao, rượu mơ Trịnh Bình An... Các chủ thể trên địa bàn huyện thường xuyên được tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài thành phố, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Trang cho biết: hiệu quả mà Chương trình OCOP đem lại đối với các làng nghề của huyện khá rõ nét, kết quả đó tại Phùng Xá và các địa phương khác có được trong thời gian qua là nhờ huyện Mỹ Đức xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương. Thời gian tới, đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.)