Mỹ đánh giá lại chiến lược tác chiến xe tăng trong bối cảnh mới
Sự gia tăng của máy bay không người lái giá rẻ có khả năng tấn công các điểm yếu nhất của xe tăng làm phát sinh đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn về cách sử dụng các đơn vị thiết giáp.
Tại Ukraine, việc cả Nga và Ukraine đều phải chịu tổn thất đáng kể về xe tăng do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã thúc đẩy việc đánh giá lại các chiến lược tác chiến thiết giáp. Thừa nhận bản chất đang thay đổi của chiến tranh hiện đại, Bộ trưởng Lục quân Mỹ vừa qua đã công bố một sự thay đổi trong việc triển khai hoạt động của xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams nhằm thích ứng với mối đe dọa ngày càng tăng do máy bay không người lái giá rẻ gây ra.

Ảnh minh họa: Armyrecognition.com
Các xe tăng như M1 Abrams, từng được thiết kế cho các cuộc tấn công trực diện cường độ cao, giờ đây phải đảm nhiệm các vai trò mới trên chiến trường. Bộ trưởng Lục quân Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết việc xe tăng phải hoạt động từ các vị trí được bảo vệ an toàn hơn, thay vì dẫn đầu các cuộc tấn công nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện và phá hủy bởi máy bay không người lái của đối phương, vốn đã trở nên phổ biến trên chiến trường hiện đại.
Sự thay đổi mô hình này trong học thuyết của Quân đội Mỹ báo hiệu nhiều hơn một sự điều chỉnh chiến thuật đơn thuần, là một sự hiệu chỉnh chiến lược để ứng phó với thực tế của chiến tranh do máy bay không người lái thống trị. Hoạt động đang phát triển theo hướng sử dụng chiến thuật chế độ kép: hỗ trợ hỏa lực tầm xa bằng quang học tiên tiến của Abrams, hệ thống điều khiển hỏa lực và pháo 120 mm; hiện diện ở tuyến đầu sau những đột phá ban đầu của các hệ thống không người lái.
Cách tiếp cận này giảm thiểu khả năng tiếp xúc của xe tăng với mối đe dọa đang hiện hữu ở khắp mọi nơi của các loại UAV giá rẻ và máy bay không người lái FPV kamikaze, cả khi chống lại các phương tiện có thêm lớp giáp và lá chắn tác chiến điện tử. Bằng cách tránh giao tranh trực tiếp và thay vào đó là giám sát từ khoảng cách được bảo vệ, xe tăng lấy lại giá trị của chúng không phải như mũi nhọn mà là nền tảng hỏa lực chính xác.
Điều này có nghĩa là ít tổn thất hơn, duy trì tính liên tục hoạt động và khả năng tái giao tranh khi các thành phần không người lái hoặc bộ binh đã bảo vệ được các hành lang đã được máy bay không người lái dọn sạch. Để giảm thiểu các mối đe dọa từ máy bay không người lái, quân đội có ý định triển khai máy bay không người lái trước các đơn vị thiết giáp của mình.
Những máy bay hộ tống này sẽ xác định các mối đe dọa, dọn đường và hướng dẫn xe tăng đến các vị trí an toàn hơn. Mặc dù điều này đánh dấu sự thay đổi so với vai trò truyền thống của Abrams. Đây là một bước đi cần thiết vào thời điểm mà các xe tăng trị giá hàng triệu USD có thể bị máy bay không người lái giá rẻ tiêu diệt. Về mặt chiến lược, sự thay đổi này phù hợp với các nỗ lực hiện đại hóa rộng lớn hơn của Mỹ nhằm tái cấu trúc lực lượng cho các hoạt động đa miền.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các đàn máy bay không người lái, đạn dẫn đường bằng vệ tinh và tính minh bạch của chiến trường, được hỗ trợ bởi các mạng lưới ISR và tình báo nguồn mở, đòi hỏi Quân đội Mỹ phải cân bằng giữa tính sát thương với tính tàng hình. Các hợp đồng gần đây cho việc nâng cấp Abrams bao gồm cấu hình M1E3 sắp tới, ưu tiên giảm trọng lượng, cải thiện nhận thức tình huống và các biện pháp đối phó điện tử hơn là chỉ tăng cường giáp.
Ngân sách quốc phòng năm tài chính 2025 dành gần 400 triệu USD cho việc nâng cấp Abrams, bao gồm 80,6 triệu USD cho hệ thống truyền động (được trao cho Allison Transmission) và hợp đồng trị giá 728 triệu USD với General Dynamics Ordnance and Tactical Systems cho đạn HE-T IM 120mm, được thiết kế để hỗ trợ các cuộc giao tranh gián tiếp hoặc đối đầu. Với việc xe tăng hiện đang đảm nhận vai trò hỗ trợ thay vì vai trò dẫn đầu, sự phát triển này có thể chuyển các ưu tiên mua sắm trong tương lai từ khối lượng lớn sang khả năng sống sót của hệ thống, khả năng kết nối và khả năng tương tác với các nền tảng không người lái.
Nhà phân tích David Kirichenko từ Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), có trụ sở tại Washington D.C, gọi đây là "kỷ nguyên mới của xe tăng thận trọng", trong đó xe tăng hoạt động giống pháo binh hơn là vũ khí đột kích tuyến đầu như trước. Xe tăng không chỉ tản ra trong xung đột để tránh bị UAV phát hiện, mà còn phân tán về cơ cấu tổ chức, chuyển sang vai trò hỗ trợ thay vì dẫn đầu, trong một cuộc chiến ngày càng do những cỗ máy không người lái nhỏ bé nhưng nguy hiểm định hình.
Việc Quân đội Mỹ đánh giá lại các chiến lược triển khai xe tăng phản ánh phản ứng chủ động trước những thách thức do chiến tranh máy bay không người lái đặt ra. Bằng cách điều chỉnh chiến thuật, đầu tư vào hiện đại hóa và nhấn mạnh vào đào tạo kíp lái, Quân đội đặt mục tiêu duy trì sự phù hợp và hiệu quả của lực lượng thiết giáp trong thời đại mà những tiến bộ công nghệ liên tục định hình lại chiến trường.