Mỹ đang ngày càng 'lạnh nhạt' với Ukraine
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã không nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía Mỹ liên quan đến cuộc xung đột với Nga trong chuyến thăm gần đây nhất tới Washington, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Không những vậy, kế hoạch chiến thắng của nhà lãnh đạo Kiev cũng không gây ấn tượng với các quan chức Mỹ.
Kế hoạch của ông Zelensky trong cuộc xung đột với Nga bao gồm bốn điểm chính: bảo đảm an ninh sự hỗ trợ của phương Tây (tương tự như điều NATO đang làm) cho Ukraine, tiếp tục các cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga để tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán về lãnh thổ, thúc đẩy việc chuyển giao vũ ))khí tiên tiến từ phương Tây, và nhận hỗ trợ tài chính quốc tế cho Ukraine.
Các quan chức Kiev cho biết sẽ công bố nội dung của kế hoạch cho người dân, nhưng một số chi tiết sẽ được giữ bí mật.
Tuy nhiên, khi trình bày kế hoạch này tại Mỹ, ông Zelensky đã gặp phải sự “thờ ơ” từ các quan chức nước này, theo WSJ. Tờ báo này cũng cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn dè chừng với những động thái được cho là sẽ dẫn đến leo thang xung đột với Moscow.
Dù Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, nhưng vẫn chưa chấp thuận yêu cầu của ông Zelensky về việc cho phép quân đội Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa.
WSJ nhấn mạnh việc Kiev không đạt được thỏa thuận tăng cường viện trợ từ Mỹ có thể khiến quân đội nước này đối mặt với mối nguy lớn, đặc biệt khi các tuyến phòng thủ của Ukraine đang chịu áp lực lớn tại Donbass.
Tờ báo nhận định nếu không có sự hỗ trợ quân sự lớn hơn, mục tiêu của Ukraine trong việc giành lại toàn bộ lãnh thổ có vẻ không thể trở thành hiện thực.
Vào tuần trước, theo một báo cáo của Bloomberg, các quan chức phương Tây không tin kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky sẽ tạo ra bước đột phá trong cuộc xung đột do thiếu các yếu tố bất ngờ.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cũng cho biết kế hoạch của ông Zelensky không đưa ra giải pháp hữu ích nào cho những người ủng hộ phương Tây của Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phe này sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga đồng nghĩa với lời tuyên chiến của NATO đối với Moscow.
Tuần trước, ông Putin cũng đề xuất việc bổ sung thêm một số quy đinh vào chiến lược hạt nhân quốc gia, trong đó nhấn mạnh mọi hành động chống lại Nga được thực hiện bởi bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, sẽ được xem là chiến tranh hạt nhân và dẫn đến các hành vi đáp trả từ Moscow.
Sự thay đổi này nhằm ứng phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga với vũ khí do Mỹ, Anh, hoặc Pháp cung cấp.