Mỹ đã đổi tên Vịnh Mexico, nhưng thực tế ai đang kiểm soát vịnh này?
Chính quyền Trump đã đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ, nhưng phần lớn vùng vịnh này không do Mỹ kiểm soát.
![Đồ họa vùng Vịnh Mexico với các đường phân chia lãnh hải của Mỹ, Mexico và Cuba.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51478250/65cb075a3514dc4a8505.jpg)
Đồ họa vùng Vịnh Mexico với các đường phân chia lãnh hải của Mỹ, Mexico và Cuba.
Theo tính toán của Sovereign Limits (Giới hạn chủ quyền) - một cơ sở dữ liệu về ranh giới quốc tế, Mỹ tuyên bố chủ quyền đối với 46% vịnh Mexico, trong khi Mexico tuyên bố chủ quyền đối với 49%.
Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) quy định mỗi quốc gia ven biển có quyền xác lập có 5 loại vùng biển quan trọng, gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Vùng lãnh hải nằm gần bờ biển của một quốc gia nhất (mở rộng cách đường cơ sở không quá 12 hải lý) và về cơ bản, luật pháp của một quốc gia áp dụng ở bên trong vùng lãnh hải đó theo cách áp dụng trên đất liền.
Xa hơn, vùng đặc quyền kinh tế (mở rộng cách đường cơ sở không quá 200 hải lý) của một quốc gia là nơi quốc gia đó kiểm soát những gì có trong nước, như cá, cũng như những gì có trong và bên dưới đáy biển, như dầu và khí đốt. Ngoài ra, vịnh Mexico còn bao gồm các phần được gọi là biển cả, nơi một quốc gia cũng có thể chỉ giữ lại quyền đối với tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển và trong lòng đất.
Vịnh Mexico, giống như nhiều khu vực trên thế giới, có ranh giới hàng hải được các quốc gia dọc theo bờ biển của nó cùng thỏa thuận. Theo các chuyên gia Kevin Danaher và Marissa Wood tại Sovereign Limits, vịnh "được bao phủ hoàn toàn bởi các ranh giới hàng hải đã được thiết lập".
Về mặt kỹ thuật, không có quốc gia nào "sở hữu" vịnh Mexico. Nhưng Mỹ, Mexico và Cuba đều có chung đường biên giới với vịnh này và áp dụng các quyền tài phán hàng hải và khu vực được bảo vệ riêng biệt ngoài khơi bờ biển của họ.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Mỹ đã thiết lập các vùng biển và ranh giới được công nhận theo luật pháp quốc tế, giới hạn chủ quyền của mình. Trong số các ranh giới đó có "lãnh hải", được mở rộng tới 12 hải lý tính từ đường cơ sở của Mỹ. Washington tuyên bố chủ quyền trong vùng này, cũng như không phận phía trên và đáy biển/lòng đất bên dưới.
Mỹ cũng duy trì cái được gọi là "Khu đặc quyền kinh tế" (EEZ) trải dài tới 200 hải lý ngoài khơi, cũng như "Thềm lục địa" ra xa tới 350 hải lý. Theo NOAA, cả hai khu vực này đều trao cho Mỹ quyền chủ quyền nhằm mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump có tên "Khôi phục Tên gọi tôn vinh sự vĩ đại của nước Mỹ" nêu rõ rằng "vịnh Mỹ" là "tài sản không thể thiếu" đối với Mỹ và nền kinh tế của nước này, bao gồm sản xuất dầu thô, nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào, nghề cá và du lịch.
Nhìn chung, việc đổi tên sẽ chỉ áp dụng trong phạm vi nước Mỹ đối với tất cả các tài liệu và văn bản liên bang và các quốc gia khác không có nghĩa vụ phải công nhận những thay đổi này.
![Vịnh Mexico là hải vực lớn thứ chín trên thế giới, giáp Mỹ, Mexico và Cuba. Trong ảnh là cơn bão Alberto từ Vịnh Mexico đổ bộ vào Monterrey, bang Nuevo Léon (Mexico) ngày 20/6/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51478250/c7c2a753951d7c43250c.jpg)
Vịnh Mexico là hải vực lớn thứ chín trên thế giới, giáp Mỹ, Mexico và Cuba. Trong ảnh là cơn bão Alberto từ Vịnh Mexico đổ bộ vào Monterrey, bang Nuevo Léon (Mexico) ngày 20/6/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Vịnh Mexico đã xuất hiện trên bản đồ trong nhiều thế kỷ, và việc thay đổi tên địa lý là phổ biến trong suốt chiều dài lịch sử. Việc thay đổi tên này có tác động ngay lập tức đến các cơ quan liên bang của Mỹ về lập bản đồ hoặc tham chiếu đến vịnh. Một số công ty như Google và Apple hiện hiển thị Vịnh Mỹ cho người dùng tại Mỹ. Đối với những công ty khác, việc thay đổi tên vịnh này là tùy chọn.
Tân Tổng thống Trump đã ra lệnh đổi tên vịnh Mexico trong ngày nhậm chức, đúng như cam kết trong chiến dịch tranh cử. Giới chuyên gia nhấn mạnh cách đổi tên chỉ áp dụng trong phạm vi lãnh thổ Mỹ, quốc gia khác không phải công nhận và thay đổi cách gọi.
Tổng thống Mexico Sheinbaum đáp trả rằng nên đổi tên Bắc Mỹ thành "Mỹ thuộc Mexico", dựa theo bản đồ lịch sử bà cho là có từ năm 1607, khoảng 169 năm trước khi nước Mỹ thành lập. Tuy nhiên, lãnh đạo Mexico vẫn nhấn mạnh mong muốn cùng Mỹ có mối quan hệ tốt đẹp.
Mới đây, hôm 13/2, Tổng thống Mexico dọa đệ đơn kiện Google, sau khi công ty này đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ trên ứng dụng Google Maps.
"Chúng tôi đang có tranh chấp với Google và sẽ đệ đơn kiện dân sự nếu cần thiết", Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết nhưng không nêu thêm chi tiết.
Bà Sheinbaum đưa ra cảnh báo sau khi Google đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ trên dịch vụ bản đồ Google Maps.
"Khu vực sẽ hiển thị là 'Vịnh Mỹ' với người dùng tại Mỹ và 'Vịnh Mexico' với người dùng ở Mexico. Người sử dụng ở khu vực khác sẽ thấy hiển thị cả hai cách gọi", thông báo của Google có đoạn.
Trước đó, vào cuối tháng 1, Bộ Nội vụ Mỹ thông báo đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ và đỉnh Denali ở Alaska, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ, thành McKinley. Cơ quan này cho biết thay đổi được thực hiện theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump.