Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, Việt Nam chịu mức 46%
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%.
Chính sách này được đưa ra nhằm phản ứng trước các biện pháp thuế quan và hàng rào thương mại mà nhiều nước khác đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời nhằm thu hẹp tình trạng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Ông Trump gọi đây là "tuyên ngôn độc lập về kinh tế" của nước Mỹ.
Trong danh sách các quốc gia bị áp thuế suất cao, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc (34%) và Campuchia (49%), đều chịu mức thuế cao nhất trong đợt điều chỉnh này.
Các quốc gia khác chịu mức thuế suất thấp hơn, bao gồm Anh, Brazil và Singapore với 10%, trong khi Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Ấn Độ bị áp mức từ 20% đến 26%.
Việc áp dụng thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành mũi nhọn như điện tử, dệt may và giày dép.

Tổng thống Mỹ với tấm bảng ghi mức thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng cho các nước. Ảnh: Reuters
Theo kế hoạch, mức thuế cơ bản 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia cụ thể sẽ được áp dụng từ ngày 9/4. Trước tình hình này, nhiều nước có thể xem xét các biện pháp đáp trả, dẫn đến những tác động lan rộng đến kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ khẳng định ưu tiên hàng đầu là bảo vệ lợi ích quốc gia. “Hôm nay, chúng ta đang bảo vệ những nông dân tuyệt vời của mình – những người đã phải chịu thiệt thòi bởi chính sách thương mại không công bằng của nhiều quốc gia khác,” ông phát biểu.
Ngay sau khi quyết định thuế quan mới được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phản ứng tiêu cực. Hợp đồng tương lai của S&P 500 giảm 1,7%, trong khi Nasdaq mất gần 2%, cho thấy dự báo về sự suy giảm của Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 3/4. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới cũng lập mức đỉnh mới tại 3.159 USD/ounce.
Trước đó, vào tháng 2, Tổng thống Trump đã ký biên bản ghi nhớ yêu cầu xem xét chính sách thương mại của từng quốc gia và đề xuất mức thuế phù hợp. Ông cũng nhiều lần khẳng định ngày 2/4 là "ngày giải phóng" của nền kinh tế Mỹ.
Theo ông Trump, các doanh nghiệp và người dân Mỹ đang chịu thiệt hại vì hàng loạt hiệp định thương mại tự do, khiến lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ lên đến 3.000 tỷ USD mỗi năm. Tình trạng mất cân bằng thương mại đã đẩy mức thâm hụt hàng hóa của Mỹ lên đến 1.200 tỷ USD.
Ngoài mục tiêu thu hẹp thâm hụt thương mại, chính sách thuế mới cũng được ông Trump coi là biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng buôn lậu ma túy và người nhập cư trái phép, đồng thời giúp tăng ngân sách chính phủ và thúc đẩy sản xuất nội địa.
Việc điều chỉnh thuế suất này có thể làm leo thang căng thẳng thương mại trên toàn cầu. Hiện tại, Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đều đã lên tiếng về các biện pháp trả đũa đối với Mỹ. Điều này làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng chính sách bảo hộ thương mại có thể đẩy lạm phát tại Mỹ và trên toàn cầu lên cao. Theo nghiên cứu từ Đại học Yale, nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu thêm 20%, mỗi hộ gia đình nước này có thể phải chi trả thêm trung bình 3.400 USD mỗi năm.