Mỹ có thể cắt quyền truy cập Starlink, gây áp lực với Ukraine về thỏa thuận khoáng sản
Các nhà đàm phán của Mỹ đang gây áp lực lên Ukraine để có quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine trong đó có tính đến việc cắt quyền truy cập vào hệ thống internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk, theo hãng tin Reuters.
Starlink từ "củ cà rốt" hóa "cây gậy"
Ngày 21/2 (theo giờ Washington), hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối đề xuất ban đầu từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Mỹ đã đưa vấn đề Ukraine có thể tiếp tục truy cập hệ thống vệ tinh Starlink hay không vào nội dung thảo luận giữa các quan chức Mỹ và Ukraine.

Hệ thống Starlink được binh sĩ Ukraine lắp đặt trên nóc một tòa nhà tại khu vực giao tranh (Ảnh: Reuters).
Starlink cung cấp kết nối internet quan trọng cho Ukraine và được coi là công cụ thiết yếu đối với quân đội nước này đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga đang leo thang căng thẳng.
Vấn đề này sau đó lại được nêu ra trong các cuộc gặp giữa Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg và Tổng thống Zelensky ngày 20/2. Cụ thể, Ukraine nhận được thông báo họ có thể bị ngắt quyền truy cập Starlink nếu không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền khai thác khoáng sản quan trọng với Mỹ.
"Ukraine đang phụ thuộc rất nhiều vào Starlink. Họ coi đó như chòm sao Bắc Đẩu chỉ đường. Mất Starlink sẽ là một đòn giáng mạnh vào Kiev", một nguồn tin nhận xét.
Bà Melinda Haring, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định Starlink là yếu tố thiết yếu cho hoạt động của các máy bay không người lái (UAV), một trong những loại vũ khí then chốt trong chiến lược quân sự của Ukraine.
"Việc Ukraine mất quyền truy cập Starlink sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường", bà Haring nhấn mạnh.
Theo bà Haring, Ukraine đã đạt được mức cân bằng 1:1 với Nga về số lượng UAV và pháo binh. Hiện Ukraine đang sở hữu nhiều loại UAV khác nhau, từ máy bay không người lái trên biển, máy bay do thám đến các phương tiện không người lái tầm xa.
Trước đó, năm 2022, tỷ phú Elon Musk đã nhanh chóng triển khai hàng nghìn thiết bị Starlink tới Ukraine để thay thế mạng lưới liên lạc bị phá hủy trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Ông Musk khi đó được ca ngợi như một người hùng ở Ukraine.
Song, tới mùa Thu năm 2022, vị tỷ phú Mỹ đã bắt đầu hạn chế quyền truy cập vào Starlink của Ukraine đồng thời lên tiếng chỉ trích cách thức chính quyền Kiev hành xử trong cuộc chiến.
… và miếng bánh khoáng sản Ukraine
Cuối năm 2024, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đưa ra ý tưởng mở cửa ngành khoáng sản quan trọng cho các nhà đầu tư của đồng minh. Đây là một phần trong "kế hoạch chiến thắng" mà ông Zelensky đưa ra nhằm củng cố vị thế trong đàm phán nếu có với Nga.

Tổng thống Ukraine Zelensky đang chịu sức ép về việc chia sẻ quyền khai thác tài nguyên với Mỹ để đổi lấy viện trợ tài chính và quân sự trên chiến trường (Ảnh: Reuters).
Tại thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai lên tiếng ủng hộ ý tưởng của người đồng cấp Zelensky. Ông Trump tuyên bố ông muốn Ukraine cung cấp đất hiếm và các khoáng sản khác cho Mỹ để đổi lấy viện trợ quân sự và tài chính trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, đầu tuần này, Tổng thống Zelensky đã từ chối yêu cầu của ông Trump về việc chuyển giao tài nguyên khoáng sản trị giá khoảng 500 tỷ USD của Ukraine để bù cho các khoản viện trợ quân sự từ Washington với lý do Mỹ chưa đưa ra đảm bảo an ninh cụ thể.
Kể từ đó, rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện giữa 2 nhà lãnh đạo khi cả ông và ông Zelensky đều có những lời lẽ có phần gay gắt nhằm vào nhau.
Tới ngày 21/2, ông Zelensky bất ngờ tuyên bố các nhóm đàm phán của Mỹ và Ukraine đang làm việc để sớm đạt được một thỏa thuận công bằng. Động thái trên của ông Zelensky diễn ra sau khi Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine có cuộc trao đổi với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz.
Phát biểu sau cuộc trao đổi nói trên, ông Waltz xác nhận Tổng thống Zelensky sẽ ký vào bản thỏa thuận chia sẻ quyền khai thác khoảng sản của Ukraine cho Mỹ trong thời gian ngắn nhất có thể. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa hai bên sẽ sớm được ký kết.