Một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng pháp luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh vừa chủ trì buổi làm việc về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: ST
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật quy định thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành theo hướng có khác biệt, vượt trội.
Các quy định mang tính đặc thù, vượt trội được nghiên cứu thiết kế theo hướng có khả năng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách từ thực tiễn và thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội.
Các nội dung đề xuất về cơ chế đặc thù, vượt trội đều đảm bảo nguyên tắc tuân chủ và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 119-KL/TW, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Đề án nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về phạm vi của các nhóm đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, cộng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) khi làm công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm định mức vượt trội từ ít nhất 3 - 5 lần so với định mức theo quy định hiện tại; thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, trực thuộc Bộ Tư pháp hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận và do ngân sách nhà nước bảo đảm; xây dựng, phát triển, quản lý hạ tầng công nghệ phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (bên trái) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ST
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật là dự thảo nghị quyết khó, nhưng thiết thực, trong đó Bộ Tư pháp có vai trò chủ lực trong công tác xây dựng pháp luật.
Trao đổi về định hướng chính sách, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần tập trung vào ba nhóm trụ cột, bao gồm: Cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin - chuyển đổi số; Tư duy xây dựng chính sách phải mạnh mẽ hơn, khả thi hơn, phản ánh được tinh thần đổi mới trong công tác hoàn thiện thể chế; Mỗi quy định trong Dự thảo phải thực sự là một cơ chế, chính sách có tác động cụ thể, rõ ràng. Nội dung từng Điều trong Dự thảo Nghị quyết phải rõ cơ chế, chính sách. Với những nội dung mang tính định lượng, cần có luận cứ chặt chẽ.
Việc thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật cần làm rõ cơ chế chi tiêu, phạm vi hoạt động, quy định cơ chế pháp lý bảo đảm công khai, minh bạch, không trục lợi, không lợi ích nhóm gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật.
Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung thực hiện đề án xây dựng dữ liệu lớn về xây dựng pháp luật; đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng AI. Cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho hoạt động này áp dụng theo Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cần nghiên cứu bổ sung cơ chế đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong công tác xây dựng pháp luật. Có thể áp dụng học bổng, miễn học phí với sinh viên xuất sắc; có chính sách thu hút nhân tài từ bên ngoài, nguồn lực ở bên trong về làm công tác xây dựng pháp luật; xây dựng cơ chế tuyển dụng, điều động cán bộ có trình độ, kinh nghiệm về địa phương, sang pháp chế các Bộ, ngành khác làm công tác xây dựng pháp luật; có chính sách ưu đãi, phụ cấp đối với đội ngũ làm công tác này./.