Mỹ chi mạnh tay biến 'pháo đài bay' B-52 thành vũ khí của tương lai

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Boeing B-52 Stratofortress, biểu tượng của sức mạnh không quân Mỹ từ thời chiến tranh lạnh, đang bước vào một chương trình hiện đại hóa sâu rộng với mục tiêu duy trì khả năng hoạt động đến những năm 2050 và có thể xa hơn nữa.

Dù chi phí ngày càng tăng và quá trình cải tiến phức tạp, không quân Mỹ vẫn quyết tâm đưa mẫu máy bay huyền thoại này vào thời đại kỹ thuật số với biến thể nâng cấp mang tên B-52J.

Theo National Interest, B-52 đã phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ suốt hơn 7 thập niên và được coi là một trong những chương trình quân sự thành công và lâu dài nhất từng được triển khai. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa máy bay là "bất khả xâm phạm".

Một chiếc B-52 thuộc biên chế của không quân Mỹ - Ảnh: Reuters

Một chiếc B-52 thuộc biên chế của không quân Mỹ - Ảnh: Reuters

Lý do cần hiện đại hóa toàn diện

B-52 hiện phải đối mặt với một thách thức lớn không phải từ kẻ thù, mà từ chính việc nâng cấp công nghệ. Các cải tiến dự kiến, bao gồm động cơ, ra đa, buồng lái và hệ thống điện tử, sẽ tạo ra sự thay đổi sâu sắc đến mức mỗi máy bay B-52H sau khi hoàn tất sẽ được đổi tên thành B-52J.

Để đảm bảo B-52 tiếp tục đóng vai trò chiến lược trong lực lượng răn đe hạt nhân và các chiến dịch tấn công tầm xa, không quân Mỹ đang triển khai chương trình thay thế động cơ và nâng cấp toàn bộ hệ thống radar, dẫn đường và liên lạc. Trọng tâm là việc thay thế động cơ Pratt & Whitney TF-33 vốn đã được trang bị từ những năm 1960 bằng động cơ Rolls-Royce F130 hiện đại.

Động cơ F130 có nguồn gốc từ dòng BR thương mại của Rolls-Royce, được sử dụng rộng rãi trên nhiều loại máy bay dân dụng và quân sự. Với hơn 30 triệu giờ bay đã được ghi nhận, F130 không chỉ có độ tin cậy cao mà còn tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với yêu cầu vận hành lâu dài.

Chương trình thay thế động cơ, gọi tắt là CERP (Commercial Engine Replacement Program), dự kiến kéo dài đến năm 2033 và sẽ áp dụng cho toàn bộ đội bay gồm khoảng 76 máy bay B-52 hiện có.

Việc tích hợp động cơ mới vào khung máy bay cũ kỹ không hề đơn giản. Boeing và Rolls-Royce đã áp dụng các công cụ kỹ thuật số tiên tiến để tạo ra mô hình 3 chiều chi tiết của từng chiếc B-52, giúp các kỹ sư xác định chính xác cách thức bố trí động cơ F130 cũng như các thành phần liên quan.

Các mô hình kỹ thuật số này cho phép hai công ty phối hợp trao đổi thông tin, đảm bảo rằng F130 có thể lắp vừa bên trong nacelle (vỏ động cơ) hiện tại mà không ảnh hưởng đến cấu trúc máy bay hoặc gây ra xung đột với các hệ thống khác. Đây là một phần quan trọng trong quy trình hiện đại hóa, giúp duy trì tính sẵn sàng chiến đấu của phi đội trong suốt quá trình nâng cấp.

Bên cạnh việc thay động cơ, một điểm nổi bật khác trong chương trình hiện đại hóa là radar Raytheon AESA AN/APG-79 - loại radar mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến, thay thế cho hệ thống radar tương tự AN/APQ-166 đã lỗi thời.

Chi phí lớn nhưng chiến lược rõ ràng

Do quy mô và độ phức tạp của chương trình, chi phí hiện đại hóa B-52 đã gia tăng đáng kể, dẫn đến việc không quân Mỹ phải gửi báo cáo lên quốc hội nước này theo quy định của Đạo luật Nunn-McCurdy. Đạo luật này yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải thông báo với các nhà lập pháp nếu bất kỳ chương trình mua sắm nào vượt quá ngân sách hoặc tiến độ hơn 15%.

Tạp chí Air and Space Forces cho biết chi phí chương trình B-52 đã tăng đến mức "đáng kể", cụ thể là khoảng 17%. Mặc dù chưa vượt ngưỡng 25% để yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải chứng nhận tính cần thiết chiến lược, quốc hội vẫn đã được thông báo về mức chi phí gia tăng này.

Một phát ngôn viên của không quân xác nhận rằng “giám đốc chương trình máy bay ném bom đã nộp báo cáo sai lệch chương trình liên quan đến việc hiện đại hóa ra đa vào ngày 11.4”, và thêm rằng đánh giá sơ bộ từ quá trình đánh giá thiết kế sơ bộ (PDR) cho thấy đây có thể là một vi phạm chi phí đáng kể.

Theo kế hoạch, người đứng đầu không quân Mỹ sẽ gửi thông báo chính thức tới quốc hội vào ngày 24.5. Nếu chi phí không vượt quá mức 25%, chương trình sẽ không cần bị buộc phải chứng minh là “cần thiết cho an ninh quốc gia” để tiếp tục triển khai.

Dù chi phí có tăng, giới chức không quân vẫn xem ra đa AESA AN/APG-79 là thiết yếu, do hệ thống ra đa cũ không còn đáp ứng được yêu cầu trong môi trường tác chiến hiện đại.

Việc duy trì hoạt động của một loại máy bay được thiết kế từ thời Chiến tranh lạnh như B-52 đòi hỏi khoản đầu tư không nhỏ. Tuy nhiên, đây là lựa chọn chiến lược cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các dòng máy bay ném bom khác của Mỹ như Rockwell B-1B Lancer và Northrop Grumman B-2 Spirit đang từng bước nghỉ hưu để dọn đường cho mẫu máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider.

B-52J khi hoàn tất sẽ không chỉ được kéo dài tuổi thọ mà còn có khả năng hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường chiến tranh hiện đại, nơi tính chính xác, tiết kiệm nhiên liệu và khả năng tích hợp mạng lưới tác chiến đóng vai trò then chốt.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-chi-manh-tay-bien-phao-dai-bay-b-52-thanh-vu-khi-cua-tuong-lai-232650.html
Zalo