Mỹ cân nhắc hồi sinh tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hải quân Mỹ đang tìm cách hồi sinh chương trình tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ tàu ngầm, còn gọi là SLCM-N.
Mặc dù chương trình SLCM-N từng bị hủy bỏ sau Đánh giá tư thế hạt nhân (NPR) năm 2022 dưới thời Tổng thống Joe Biden, hải quân Mỹ hiện đang vận động để có thêm nguồn tài trợ nhằm tiếp tục phát triển loại vũ khí này.
Trước đó, đề xuất phát triển SLCM-N được khởi xướng vào năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Theo National Interest, giới chức hải quân Mỹ cho biết đây là một trong ba ưu tiên chiến đấu hàng đầu hiện nay của lực lượng này nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và khả năng tấn công thứ 2 trong trường hợp xảy ra xung đột.

Hải quân Mỹ thúc đẩy chương trình tên lửa hạt nhân giữa biến động an ninh khu vực - Ảnh: National Interest
Trong buổi điều trần trước tiểu ban lực lượng chiến lược của Ủy ban Dịch vụ vũ trang thuộc Hạ viện Mỹ, Phó đô đốc Johnny Wolfe - Giám đốc Chương trình hệ thống chiến lược của hải quân Mỹ, cho biết chương trình SLCM-N vẫn đang trong giai đoạn đánh giá kiến trúc hệ thống tổng thể.
Ông Wolfe nhấn mạnh rằng việc phát triển loại tên lửa này đòi hỏi sự cân bằng kỹ lưỡng về nguồn lực và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan liên quan.
“Trong năm qua, chương trình SLCM-N đã tập trung vào việc xác định kiến trúc hệ thống tích hợp, bao gồm tên lửa, hệ thống điều khiển hỏa lực, thiết bị phóng, tích hợp với nền tảng tàu ngầm và hệ thống đầu đạn”, ông Wolfe nói với các nhà lập pháp Mỹ.
“Việc phát triển SLCM-N sẽ bao gồm hệ thống tên lửa 10, kiểm soát hỏa lực, hệ thống phóng, tích hợp nền tảng và tích hợp hệ thống đầu đạn, cũng như phát triển thiết bị hỗ trợ, đo từ xa, phần cứng thử nghiệm bay, cơ sở hạ tầng trên bờ và tài liệu đào tạo có thể áp dụng. Văn phòng chương trình đã tập trung vào việc xác định kiến trúc hệ thống tích hợp các yếu tố này", ông nói thêm.
Tên lửa SLCM-N dự kiến sẽ được triển khai trên các tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia (SSN), vốn được đánh giá cao về khả năng linh hoạt và độ tàng hình. Hải quân Mỹ hiện phối hợp với Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) để hoàn thiện khái niệm vận hành và bảo đảm khả năng triển khai trên các tàu ngầm Block V lớp Virginia, được trang bị các mô đun tải trọng Virginia (VPM).
Theo đề xuất hiện tại, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc phân bổ 2 tỉ USD cho việc phát triển nhiệm vụ liên quan đến SLCM-N và thêm 400 triệu USD để chế tạo đầu đạn hạt nhân, nằm trong gói chi tiêu quốc phòng trị giá 150 tỉ USD.
Việc khôi phục chương trình tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ biển đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách hạt nhân của Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh. Hải quân Mỹ từng triển khai loại tên lửa hành trình hạt nhân TLAM-N vào giữa những năm 1980, trên các tàu nổi và tàu ngầm. TLAM-N có tầm bắn khoảng 2.500km và không bị ràng buộc bởi các hiệp định kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ đó.
Tuy nhiên, đến năm 1991, Tổng thống George H.W. Bush đã ra lệnh rút toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi các đơn vị triển khai ở nước ngoài, đồng thời loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật trên biển. Quyết định này được duy trì cho đến gần đây, khi môi trường an ninh toàn cầu có nhiều biến động, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính quyền Trump từng lập luận rằng việc phát triển lại SLCM-N sẽ cung cấp cho Mỹ một năng lực răn đe hạt nhân linh hoạt hơn ở cấp độ khu vực, mà không làm gia tăng phụ thuộc vào vũ khí chiến lược. Theo đó, SLCM-N được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính khả dụng của lựa chọn tấn công thứ 2 trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.
Tên lửa SLCM-N sẽ được cấu hình theo dạng "All Up Round", tích hợp đầy đủ các thành phần cần thiết như tên lửa đẩy, phần thân tên lửa hành trình và hệ thống phóng. Theo thông tin từ Interesting Engineering, hệ thống này sẽ tương thích với các ống phóng VPT và mô đun tải trọng VPM, hiện đang được lắp đặt trên các tàu ngầm lớp Virginia thuộc thế hệ mới.
VPM là một cải tiến quan trọng nhằm tăng cường khả năng mang theo vũ khí của các tàu ngầm Mỹ, giúp duy trì lợi thế chiến lược dưới nước trong bối cảnh nhiều quốc gia đối thủ không ngừng mở rộng và hiện đại hóa hải quân. Trung Quốc hiện được cho là đang sở hữu lực lượng tàu ngầm lớn thứ 2 thế giới và đã triển khai nhiều loại tên lửa đạn đạo và hành trình tiên tiến có thể mang đầu đạn hạt nhân.