Mỹ cần Elon Musk; Trung Quốc cần Taylor Swift!
Trong một tựa báo mang tính kích thích sự tò mò, nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times viết: 'Elon Musk và Taylor Swift có thể giải quyết quan hệ Mỹ - Trung như thế nào'. Vì sao một doanh nhân tỉ phú và một ca sĩ nổi tiếng có liên quan gì đến quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế?
Thật ra nội dung chủ yếu của bài viết là nhằm cảnh báo cho dân Mỹ, đặc biệt các quan chức và các chính trị gia rằng trong khi nước Mỹ ngủ quên, Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt trong nền sản xuất công nghệ cao, đang làm ra và xuất khẩu mọi thứ. Trong một tuần lễ ở Bắc Kinh và Thượng Hải, Friedman đã tiếp xúc nhiều quan chức, nhà kinh tế và doanh nhân Trung Quốc và rút ra một điều: khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, Trung Quốc xem đó như một thách thức phải vượt qua.
Trước các đe dọa áp thuế và các đòn trừng phạt khác của ông Trump, Trung Quốc nhận thức chúng như một ngòi lửa thúc bên chân để phải vượt lên thống lĩnh nhiều trận địa, từ sản xuất xe điện đến chế tạo robot nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ nhiều chừng nào tốt chừng đó.
Kết quả là trong tám năm qua, năng lực sản xuất của Trung Quốc, theo tác giả, đã bùng nổ về quy mô, cả về chất lượng lẫn sản lượng. Năm 2000, Mỹ và các đồng minh ở châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh chiếm đa số áp đảo trong sản xuất công nghiệp toàn cầu và Trung Quốc chỉ chiếm 6% - đến năm 2030 Trung Quốc sẽ chiếm đến 45% sản lượng công nghiệp toàn cầu, vượt hẳn Mỹ cùng các nước đồng minh. Friedman đưa ra thêm nhiều dẫn chứng; như năm 2019 dư nợ cho vay của các ngân hàng Trung Quốc với các ngành công nghiệp nội địa ở mức 83 tỉ đô la - đến năm ngoái, con số này tăng vọt lên 670 tỉ đô la.
“Khi tôi thăm Trung Quốc vào năm 2019, trước Covid-19, Xiaomi và Huawei chỉ là các hãng sản xuất điện thoại. Khi tôi quay lại cách đây mấy tuần, cả hai giờ còn là các hãng sản xuất xe điện - hãng nào cũng tận dụng công nghệ chế tạo pin để làm ra những chiếc xe điện rất hấp dẫn” - Friedman viết. Tác giả đi khắp Thượng Hải trên chiếc xe điện rất êm của BYD do hãng xe công nghệ Didi vận hành. BYD đang bán chiếc xe cỡ nhỏ Seagull với giá chưa đến 10.000 đô la.
Friedman cho biết để xuất khẩu lượng xe điện khổng lồ, Trung Quốc đã cho đóng 170 con tàu lớn có khả năng vận chuyển hàng ngàn chiếc xe cùng lúc vượt đại dương. Trước Covid-19, các hãng tàu toàn thế giới chỉ có thể đóng bốn con tàu như thế mỗi năm. Trung Quốc đã lắp đặt trạm sạc xe điện rộng khắp đất nước họ nên hiện nay hơn một nửa xe bán ra tại nước này là xe điện.
Tác giả đi tàu lửa cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải - chặng đường 1.318 ki lô mét chỉ mất 4,5 giờ vì tàu chạy với tốc độ hơn 320 km/h và mỗi ngày tuyến đường này có cả 100 chuyến đi về. Để nói lên mức độ êm ái của đoàn tàu, tác giả nói giả sử đặt đồng xu lên bệ cửa sổ, nửa trong nửa ngoài thì đến hết chuyến đi, đồng xu vẫn nằm nguyên đó. Trên chuyến tàu từ New York đi Washington, đồng xu sẽ văng đi mất hai giây sau khi con tàu chòng chành rời ga.
Khi tác giả ở Bắc Kinh, hãng xe GM của Mỹ đã phải xóa 5 tỉ đô la trong tài sản nhà máy của họ ở Trung Quốc. Doanh số bán xe của liên doanh GM với một công ty Trung Quốc giảm 59% trong 11 tháng đầu năm, còn 370.989 chiếc. Trong khi đó hãng BYD bán được gấp 10 lần số xe như thế trong cùng kỳ.
Cũng trong chuyến thăm này, Friedman học được một từ mới - “nhà máy tối”. Nhà máy tối không phải vì đã ngừng hoạt động mà do toàn bộ sự vận hành là do robot nên chủ nhà máy tắt hết đèn để tiết kiệm chi phí - chỉ khi nào có kỹ sư đến bảo trì đèn mới bật sáng. Trung Quốc đẩy mạnh tự động hóa cũng vì mối lo ngại dân số giảm sút, có thể giảm đến 100 triệu người vào năm 2050 và 700 triệu người vào cuối thế kỷ này.
Cuối cùng, hóa ra tựa đề bài viết là để tác giả nhấn mạnh nước Mỹ cần Elon Musk, không phải để tinh giản bộ máy hành chính mà để đẩy mạnh sản xuất như ông này từng thành công với Tesla hay SpaceX làm ra hàng bán cho thế giới. Ngược lại, Trung Quốc cần Taylor Swift, tức nhiều cơ hội hơn cho giới trẻ tiêu tiền cho các sản phẩm giải trí, tiêu dùng nhập từ nước ngoài để cân đối lại giữa tiêu dùng nội địa, tiết kiệm và xuất khẩu.
Ở đây có thể do Friedman muốn nâng mức cảnh báo cho dân Mỹ nên đã khen ngợi nền sản xuất của Trung Quốc hết lời. Thế nhưng ông cũng đưa ra lời khuyên cho Trung Quốc: một nền kinh tế không cân bằng sẽ không bền vững. Thế giới sẽ không chấp nhận một Trung Quốc xuất khẩu bán mọi thứ trong khi chỉ nhập khẩu đậu nành và khoai tây. Album của Taylor Swift chỉ là một ví dụ tác giả đưa ra để khuyên dân Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn nữa để cân đối cán cân thương mại với nước ngoài.