Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Doanh nghiệp xuất khẩu trông chờ gì?

Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản có lợi thế khi vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế đối ứng mới phía Mỹ vừa công bố đối với hàng hóa Việt Nam lên tới 46% không chỉ ảnh hưởng đến công nghiệp mà cả nông nghiệp.

Để chủ động kế hoạch sản xuất trong 8 tháng còn lại của năm 2025, các doanh nghiệp xuất khẩu đang cần làm rõ vấn đề thuế của từng ngành hàng.

Mỹ vừa áp thuế lên tới 46% đối với Việt Nam dựa trên thặng dư thương mại giữa hai nước. Tác động của mức thuế suất này đối với hàng hóa Việt Nam sẽ không đồng đều giữa các ngành, nhưng điều chắc chắn là ngành xuất khẩu chủ lực sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Đặc biệt là dệt may, da giày - vốn có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ và phụ thuộc rất nhiều vào mức độ cạnh tranh về giá.

Đây là ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp, trong khi chi phí nguyên vật liệu, nhân công và vận chuyển ngày càng tăng. Ngoài ra, các lĩnh vực xuất khẩu nông sản, rau, quả, thủy sản… cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách tổng thể.

Đánh giá về động thái này của Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group nhận định: với con số cụ thể 46%, vẫn chưa rõ liệu nông sản rau quả có nằm trong đó hay không, khi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của ngành này còn thấp so với Mỹ xuất vào Việt Nam. Tuy nhiên nếu bị áp mức thuế này, ngành nông sản sẽ gặp rất nhiều bất lợi.

Việt Nam nằm trong top 3 đối tác thương mại song phương lớn nhất của Hoa Kỳ (Ảnh: Nguyễn Quang)

Việt Nam nằm trong top 3 đối tác thương mại song phương lớn nhất của Hoa Kỳ (Ảnh: Nguyễn Quang)

Ông Nguyễn Đình Tùng nêu ý kiến: "Vấn đề đàm phán giữa hai chính phủ thì phải đưa ra con số Việt Nam đang nhập siêu rau quả từ Mỹ. Vấn đề nữa là hiện nay chính sách của ông Trump muốn mời tất cả vào bàn đàm phán, muốn đàm phán thì phải bắt buộc người ta mới vào. Đặc biệt, vấn đề những doanh nghiệp muốn mượn xuất xứ của Việt Nam đây làm vấn đề chúng ta phải chứng minh là không có và bảo đảm kiểm soát để việc đó không xảy ra".

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hiệp hội điều tỉnh Bình Phước, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Long Sơn cho biết: trong số hơn 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành điều năm 2024, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ.

Ông Sơn cho rằng, việc thay đổi thị trường khác rõ ràng là rất khó với xuất khẩu điều cũng như một số ngành hàng hàng khác. Bởi Mỹ là thị trường cao cấp nhưng không mấy khắt khe, đồng thời nằm trong kế hoạch mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ của Việt Nam, cùng với Trung Quốc, EU, Trung Đông, Nam Mỹ, Úc...

Cũng theo ông Sơn, cần thiết nhất là tiếp tục đối thoại, Việt Nam có thể xem xét giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để thể hiện thiện chí. Việt Nam cũng cần thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết mua hàng hóa Mỹ đã được ký kết trước đây. Đồng thời tích cực đàm phán để ký kết một Hiệp định Thương mại Tự do song phương mới, đáp ứng yêu cầu của cả hai bên.

"Trước đây họ hay phàn nàn là mình cấp visa cho người Mỹ làm ăn ở Việt Nam thời gian rất ngắn, khó khăn, thì bây giờ có thể xem xét mở rộng thời hạn cấp visa cho người Mỹ vào Việt Nam, tạo điều kiện cho họ đầu tư ở Việt Nam. Điều này ở tầm vĩ mô của Chính phủ, thì cố gắng làm sao cụ thể từng mặt hàng của Mỹ để giảm thuế cho họ" - ông Sơn cho biết.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất (Ảnh: Nguyễn Quang)

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất (Ảnh: Nguyễn Quang)

Dự liệu nhiều khó khăn

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những ngày tới, Việt Nam sẽ đàm phán, tìm được tiếng nói chung và cân bằng lợi ích của hai bên với mức thuế hợp lý, thay vì con số 46%. Bởi việc đánh thuế này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam hay những quốc gia trong danh sách bị đánh thuế đối ứng, mà còn ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng Mỹ, doanh nghiệp và chuỗi giá trị.

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc đòi hỏi công bằng trong thương mại là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên ông cũng lo ngại mức thuế cao của Mỹ đưa ra có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam vào năm 2025.

Giải pháp được Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đề xuất là mở rộng thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ, để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tác động của thuế suất cao. Qua đó khuyến nghị điều chỉnh quy trình sản xuất và xuất khẩu để chứng minh sản phẩm Việt Nam không liên quan đến Trung Quốc, nhằm thương lượng giảm thuế với Mỹ.

Để ứng phó với tác động tiêu cực đến việc làm cho công nhân lao động, việc tăng cường tiêu dùng nội địa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác cũng được đề xuất. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất.

"Việt Nam thì cứ thương lượng, nhưng việc Mỹ điều chỉnh thuế rõ ràng là rất khó khăn. Vì vậy một mặt mở rộng, tìm kiếm thêm thị trường, trong khi tiếp tục kiên trì đàm phán với Mỹ để tìm một giải pháp thích hợp"- Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, trong đó có công nghệ từ Mỹ (Ảnh: Nguyễn Quang)

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, trong đó có công nghệ từ Mỹ (Ảnh: Nguyễn Quang)

Theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, trước những thách thức hiện tại, việc duy trì đối thoại, thể hiện thiện chí và tìm kiếm tiếng nói chung được xem là chìa khóa để giải quyết các bất đồng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Giải pháp cần làm và có thể làm ngay, đó là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Ông Tuấn đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nhà nước cần giảm chi phí logistics, thủ tục hành chính.... Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm và nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, cần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ và xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ, ưu tiên nhập khẩu công nghệ từ Mỹ với thuế suất 0%. Cuối cùng, cần tái cấu trúc nền kinh tế và xem xét lại cấu trúc tiêu dùng trong nước.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: "Nhà nước nên hỗ trợ cho doanh nghiệp, như cung ứng vốn, tín dụng, ưu đãi để giúp doanh nghiệp nâng cấp máy móc, thiết bị công nghệ. Doanh nghiệp có thể tăng cường nhập khẩu thiết bị từ Mỹ là giải pháp có tính chiến thuật để có thể giảm dần mức độ thâm hụt của Mỹ và Việt Nam. Tôi nghĩ giải pháp như vậy khả thi trong ngắn hạn. Còn nếu thu hẹp khoảng cách thâm hụt mà Mỹ đưa ra, chúng ta không nên đặt ra bài toán đó để tìm cách giải. Bởi vì giải bài toán này cần thời gian dài hơn nhiệm kỳ 4 năm của chính quyền Trump".

Việt Nam nằm trong top 3 đối tác thương mại song phương lớn nhất của Hoa Kỳ, có mức thâm hụt thương mại lên tới 100 tỷ USD với Hoa Kỳ. Đây là một khoảng cách rất lớn, khó có thể thu hẹp trong ngắn hạn. Đa số doanh nghiệp cho rằng việc thay đổi thị trường là việc không thể làm ngay. Vấn đề chính là đối tác Mỹ cần chúng ta đàm phán.

Trước tình hình Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46%, lo ngại thủy sản Việt mất thị trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi kiến nghị khẩn đến Thủ tướng và các bộ, ngành chức năng. Trong đó, VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ để giúp ngành thủy sản...

Theo thống kê đến ngày 3/4, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ, khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5/2025, nhiều đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025 với khoảng 38.500 tấn.

“Đây là những con số sơ bộ vô cùng lớn với ngành thủy sản, không chỉ là tài sản của bà con nông - ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam làm ra mà điều quan trọng hơn là sinh kế và những đầu tư, kế hoạch sản xuất đã chuẩn bị để cung ứng cho thị trường Mỹ bị đe dọa” - ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký VASEP cho biết.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-doi-ung-46-doanh-nghiep-xuat-khau-trong-cho-gi-post1189942.vov
Zalo