Cục Thống kê thông tin việc giá vàng tăng cao

Đến cuối tháng 3, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.000,08 USD/ounce, tăng 10,31% so với tháng 2. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 4,68% so với tháng trước, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm trước.

Vàng tăng cùng chiều, USD ngược chiều thế giới

Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, trong tháng 3, giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị. Căng thẳng toàn cầu gia tăng, đặc biệt là kế hoạch áp thuế mới của Mỹ đã làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với việc giữ nguyên lãi suất và tín hiệu có thể cắt giảm trong tương lai, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

Giá vàng thế giới và trong nước trong tháng 3 cùng tăng so với tháng trước.

Giá vàng thế giới và trong nước trong tháng 3 cùng tăng so với tháng trước.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương, đặc biệt ở châu Á đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa dự trữ, góp phần làm tăng nhu cầu vàng trên thế giới. Biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế và bất ổn địa chính trị như chiến sự tại Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông càng củng cố vai trò của vàng như nơi trú ẩn an toàn, góp phần làm cho giá vàng càng tăng cao.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 4,68% so với tháng trước, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,75% so với tháng 12/2024. Bình quân quý I, chỉ số giá vàng tăng 31,45%.

Về diễn biến của giá USD, theo Cục Thống kê, giá USD trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 28/3, chỉ số giá USD trên thị trường quốc tế đạt mức 103,94 điểm, giảm 3,15% so với tháng trước do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất cùng với những lo ngại về các chính sách thuế quan mới của Mỹ, sự suy giảm niềm tin tiêu dùng và biến động trên thị trường tài chính đã khiến nhu cầu nắm giữ đồng USD giảm.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.685 đồng/USD. Chỉ số giá USD tháng 3 tăng 0,77% so với tháng trước; tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,92% so với tháng 12/2024. Bình quân quý I, chỉ số giá USD tăng 3,63%.

CPI tháng 3 giảm 0,03%

Tính chung quý I, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,01%. Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 3 so với tháng trước, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức 1,41%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05; Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,04%.

Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% so với tháng trước; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,02% do giá văn phòng phẩm tăng 0,14%; nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,02%;

Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuc-thong-ke-thong-tin-viec-gia-vang-tang-cao-post1731484.tpo
Zalo