Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép: Thép Việt vẫn có cơ hội xuất khẩu trong ngắn hạn nhưng cần gấp rút chuẩn bị cho tương lai
Sáng nay (11-2) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ, có hiệu lực từ ngày 4-3 tới.
Việt Nam là một trong sáu nước có lượng thép nhập khẩu vào Mỹ nhiều nhất trong năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ áp thuế với nhôm, thép sẽ gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động tiêu cực đến xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu vì năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị, doanh nghiệp đánh giá tình hình, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các nước có FTA với Việt Nam, để giảm phụ thuộc vào một thị trường.
![Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế với thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ trong sáng nay (11-2). Ảnh: Bloomberg](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_112_51446123/d7636c685826b178e837.jpg)
Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế với thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ trong sáng nay (11-2). Ảnh: Bloomberg
Sáng nay (11-2) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ, có hiệu lực từ ngày 4-3 tới.
CNN đưa tin, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ cũng cho biết chính quyền sẽ xem xét việc áp thêm thuế đối với ô tô, dược phẩm và chip máy tính. Theo số liệu chính thức của Mỹ, Canada và Mexico là những nước nhập khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Brazil và Hàn Quốc cũng là những nhà cung cấp thép lớn.
Mỹ nhập khẩu ít thép trực tiếp từ Trung Quốc nhưng thép nước này vẫn vào Mỹ qua nhiều đường khác như hàng cũ, mua lại từ nước khác hoặc dán nhãn sai. Mức thuế với thép, áp dụng từ lúc ông Trump làm tổng thống lần đầu và duy trì dưới thời Tổng thống Biden, đã buộc các nhà nhập khẩu Mỹ tìm nguồn thay thế.
Thuế thép 25% và thuế nhôm 10% do chính quyền Trump áp dụng năm 2018 ban đầu cắt giảm nhập khẩu và tăng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn tìm đến các nhà cung cấp giá rẻ hơn dẫn đến chiến tranh thương mại và thuế trả đũa, làm tăng giá hàng hóa.
Theo CNN, những người từng nhập thép từ Trung Quốc và các nước bị áp thuế đã chuyển sang nguồn khác, điển hình là Canada, đang nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ với 23% thị phần, trong khi Trung Quốc tụt xuống thứ 10 với chưa đến 2%.
Theo Viện Sắt và Thép Hoa Kỳ, nhập khẩu thép giảm 27% từ năm 2017 đến 2019 trong khi sản xuất trong nước chỉ tăng 7,5%. Tuy nhiên, mức tăng này không bền vững. Năm 2020, cả sản xuất và nhập khẩu đều giảm do đại dịch, dù đã phục hồi phần nào, sản lượng trong nước vẫn chưa trở lại mức trước thuế quan năm 2017.
![Những quốc gia có lượng thép nhập khẩu vào Mỹ lớn nhất trong năm 2024. Đồ Họa: Gia Nghi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_112_51446123/c420042b3065d93b8074.jpg)
Những quốc gia có lượng thép nhập khẩu vào Mỹ lớn nhất trong năm 2024. Đồ Họa: Gia Nghi
Trả lời trên baochinhphu.vn, ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng việc Mỹ áp thuế bổ sung 25% đối với nhôm và thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu.
"Nếu Mỹ áp dụng thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống", ông nói.
![Cơ quan chức năng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường. Ảnh: Bộ Công Thương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_112_51446123/7f32be398a7763293a66.jpg)
Cơ quan chức năng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường. Ảnh: Bộ Công Thương
Ngoài ra, ông cũng cho biết, việc xuất khẩu vào Mỹ khó khăn sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng, buộc các nước tìm thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty thép quay lại thị trường nội địa, làm gia tăng bảo hộ, gây tác động đến xuất khẩu thép của Việt Nam.
Việc áp thuế có thể đẩy lạm phát Mỹ tăng do nhu cầu lớn với nhôm, thép. Ông Hưng đánh giá, hàng Việt Nam với giá cạnh tranh, chất lượng tốt sẽ hỗ trợ kinh tế Mỹ, giúp giảm lạm phát và cân bằng ngoại thương hai nước.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp đánh giá tình hình, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các nước có FTA với Việt Nam, để giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về xuất xứ, sẵn sàng giải trình trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, hiện có 34 vụ với thép và 2 vụ với nhôm, cũng như cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và cơ quan ngoại giao để theo dõi, phản ứng kịp thời.
Theo thống kê của hải quan Mỹ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 983 triệu đô la Mỹ thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với 2023 còn nhôm đạt 479 triệu đô la Mỹ, tăng 9,5%. Cả hai mặt hàng vẫn chịu thuế 10% và 25% theo Mục 232 mà nước này áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.
Bên cạnh đó, hai sản phẩm này của Việt Nam cũng thường xuyên bị kiện phòng vệ thương mại. Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ với thép, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam và 2 vụ với nhôm.