Mưu sinh mùa biển động - hiểm nguy rình rập

Trước và sau những cơn bão, áp thấp nhiệt đới là thời điểm ngư dân hành nghề thuyền thúng ở các vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Quảng Ngãi ra khơi khai thác hải sản. Tuy vậy, đánh bắt trong lúc thời tiết xấu, thông tin kết nối giữa biển với bờ hạn chế nên rủi ro luôn rình rập đối với ngư dân. Những vụ lật thuyền, mất tích xảy ra vào mùa biển động đã để lại nhiều nỗi lo cho người thân, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

Ngư dân xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vượt sóng ra khơi trong mùa biển động. Ảnh: Văn Tánh

Ngư dân xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vượt sóng ra khơi trong mùa biển động. Ảnh: Văn Tánh

Tròn một năm sau ngày anh Th (ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đi về “cõi không cùng” do tai nạn lật thuyền thúng, chị H - vợ anh Th vẫn chưa nguôi nỗi đau mất chồng. Trong căn nhà còn vương mùi khói hương, chị H thẫn thờ kể lại tai nạn chồng gặp phải: “Năm ngoái, mùa biển động đến sớm, những con tàu xa khơi đều vào âu thuyền trú ngụ đợi mùa biển năm sau. Nghề biển khơi xa nhàn rỗi nên chồng tôi chuẩn bị ngư cụ xuôi về phương Nam mưu sinh. Dự định là vậy, song hôm ấy biển đột nhiên nổi sóng, hải sản tìm về vùng ven bờ dày đặc, người làng chài này đổ xô ra biển giăng câu, đánh lưới thu được tiền triệu mỗi ngày. Hoãn chuyến đi vào Nam, anh ra biển đánh bắt, vừa buông lưới thì thuyền thúng bị sóng đánh úp, người dân đi cùng thoáng thấy anh chới với rồi mất hút trong cơn sóng dữ. Hôm sau, gia đình tôi tìm thấy thi thể anh mắc trong tấm lưới do chính anh thả xuống”.

Bất chấp tai nạn vừa xảy ra, sóng đánh ầm ầm, bọt tung trắng xóa..., gần 5 giờ sáng, hàng chục thuyền thúng của ngư dân bãi ngang xã biển Bình Châu đã cập bờ. Đối diện về phía khơi là chừng ấy con thuyền khác đang lênh đênh bủa lưới. Trở về bờ, ông Nguyễn Văn Dũng, ngư dân ở xã này khẩn trương gỡ cá để tiếp tục ra biển đánh bắt. Một mình chèo chiếc thuyền nhỏ, nhưng hễ biển “dậy sóng” là ngày nào ông cũng ra biển. Ngư dân Dũng cho hay: “Cá nhiều vậy đó, nhưng bão đánh bắt mới được, chứ trời yên thì đói meo. Ở đây người ta thấy cá nhiều, ai cũng đi làm hết”.

Kinh nghiệm trao truyền, trước và sau các đợt biển động, triều cường, tôm, cua, cá, mực “say sóng” tìm về ven bờ tránh trú, tìm kiếm thức ăn. Thời gian này, hải sản vừa được mùa, lại được giá. Lênh đênh trên sóng hơn 4 giờ, ngư dân Phạm Thuật (ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) khai thác được hơn 50kg cá sòng, cá ngân và các loại cá khác. Chuyến biển này, ông Thuật bán được 2,5 triệu đồng, một khoản tiền khá lớn với người dân bãi ngang nơi đây. Đôi môi run bần bật, ông Thuật nói: “Sóng lớn lắm, nó đè cái thúng xuống rồi hất lên như trái banh. Tôi sợ lật thúng, muốn vô bờ nhưng cá nó mắc lưới miết, thành ra mình nấn ná đánh bắt kiếm thêm chút tiền”.

Sống ở bãi ngang, người dân không có tàu to như ngư dân ở cửa biển lớn, họ chỉ có chiếc thuyền thúng cùng vài chục tấm lưới đánh bắt gần bờ. Niềm vui của họ thường đến từ những cơn "trở chứng" của đất trời sau nhiều tháng tĩnh lặng. Vậy nên, mùa bão gió, từng cặp đôi chòng chành trên chiếc thúng composite luồn lách qua những con sóng trắng xóa ra khơi. Những mẻ cá tươi vừa vớt lên từ biển được người tiêu dùng tranh nhau mua với giá gấp đôi thường ngày. Ngư dân Trương Văn Long (ở xã Bình Hải) cho hay: “Ngày thường, mình bán 50 nghìn đồng/kg thì ngày này bán 100 nghìn đồng/kg. Người mua họ thấy mình đi nguy hiểm nên nói giá bao nhiêu, họ cũng mua”.

Dọc tuyến biển dài 130km của tỉnh Quảng Ngãi, địa phương nào cũng có bãi ngang. Ở mỗi nơi, người dân sử dụng phương tiện, ngư lưới cụ đánh bắt có khác nhau nhưng phần lớn vẫn là thuyền thúng, ghe tôn. Mùa biển “trở chứng”, trung bình mỗi chuyến ra khơi, một người có thể thu nhập được từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, có hôm may mắn “đút túi” từ 2-3 triệu đồng. Tuy vậy, những chiếc thuyền thúng, ghe tôn dường như quá bé nhỏ và yếu ớt trước những cơn sóng dữ nên hiểm nguy, bất trắc cũng đu bám ngư dân theo nhịp chèo bơi.

Mùa biển động, tận mắt chứng kiến ngư dân các xã Đức Minh, Đức Chánh của huyện Mộ Đức thi nhau đánh cược với sóng, ai cũng ái ngại cho sự “an nguy” cho những ngư dân này. Những cột sóng cao cuộn tròn đánh liên tiếp vào bờ, nhưng họ vẫn cố canh cho sóng lắng xuống rồi đẩy thuyền ra biển. Với họ, thành công là vượt qua được con sóng; còn sơ sẩy thì lật thuyền, mất của, thiệt người. Hiểm nguy như vậy, nhưng họ vẫn không bỏ cuộc.

Mùa biển động, ngư dân đánh bắt được nhiều cá nhưng cũng phải đánh đổi biết bao rủi ro luôn rình rập. Ảnh: Văn Tánh

Mùa biển động, ngư dân đánh bắt được nhiều cá nhưng cũng phải đánh đổi biết bao rủi ro luôn rình rập. Ảnh: Văn Tánh

Từng suýt bị sóng “đoạt mạng”, ngư dân Dương Thương (ở xã Đức Minh) kể lại: “Mới đây, ghe chúng tôi vừa ra khỏi bờ được hơn chục mét thì gặp liên tiếp sóng lớn khiến chúng tôi lạc tay chèo. Chiếc ghe bị nước tràn vào, từ từ chìm dần. Cũng may là gần bờ, anh em nhảy xuống biển, bơi vào, chứ nếu xa hơn chút nữa thì hậu quả khó lường". Vụ tai nạn đã lấy của ông Thương chiếc ghe và toàn bộ ngư lưới cụ, nhưng ông nói mình vẫn còn hên.

Tai nạn lật thúng, chết người, mất tích xảy ra nhiều vào mùa biển động, nhưng ngư dân các làng chài bãi ngang vẫn duy trì tập quán đánh bắt trên ngọn sóng cao chót vót. Những thuyền đi theo nhóm thì còn hỗ trợ cho nhau; với người hành nghề một mình, chỉ đến khi họ không về bờ, người nhà mới hay họ đã gặp sự cố. “Thời tiết này ở ngoài biển chìm thúng miết, nên bà con rủ nhau đi cùng để xúm lại cứu. Lâu lâu mới có người lạc thúng, mất tích, chứ chết người mà như chìm thúng thì ai dám đi” - ngư dân Long cho biết thêm.

Mùa bão gió, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương đến từng thôn, xóm gặp gỡ tuyên truyền, vận động ngư dân không ra khơi hành nghề. Nhiều đơn vị cử lực lượng thường trực tại bãi ngang yêu cầu bà con nhất định không ra biển khai thác hải sản cho đến khi thời tiết ổn định.

Thiên tai, gió bão bất thường. Sự chủ quan, ỷ lại kinh nghiệm nhìn trời đoán gió dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Phối hợp tuyên truyền, cảnh báo và cưỡng chế là việc làm cần thiết của chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng. Chỉ có vậy, mùa biển động ở Quảng Ngãi mới vơi đi nỗi lo thiệt người, mất của.

Đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi cho biết: “BĐBP tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ và yêu cầu ngư dân chấp hành nghiêm túc, không được ra khơi bám biển để đảm bảo tính mạng cho bà con. Tuy nhiên, vùng bãi ngang của tỉnh rộng nên BĐBP khó quán xuyến hết được, một khi bà con không tự giác chấp hành”.

Văn Tánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/muu-sinh-mua-bien-dong-hiem-nguy-rinh-rap-post484450.html
Zalo